Để hiểu lý do tại sao nền kinh tế thế giới lâm nguy vì sự lây lan của COVID-19, bạn chỉ cần nhớ một điều cốt lõi: chi tiêu của người này là thu nhập của người khác (hoặc có thể nhớ là tổng cung bằng tổng cầu).
Mối quan hệ giữa chi tiêu và thu nhập
Hay nói cách khác là tiêu dùng và sản xuất, chính là cách nền kinh tế hoạt động. Nó là trục của một vòng xoay không ngừng nghỉ sản xuất và tiêu dùng của mọi người. Ta mua thứ ta muốn và cần, ta đưa tiền cho những người sản xuất những thứ đó, những người này tiếp tục sử dụng số tiền đó để mua những thứ họ muốn và cần. Cứ như vậy, kinh tế liên tục vận động.
Điều đáng lo ngại về tác động kinh tế tiềm tàng của Covid-19, là nó đang khiến vòng xoay không ngừng nghỉ nói trên phải giảm tốc đột ngột, có nguy cơ dừng gần như hoàn toàn trong một khoảng thời gian rất khó xác định. Nền kinh tế vốn là một bánh xe chạy không ngừng nghỉ, và Covid-19 xuất hiện, buộc bánh xe này phải chậm lại.
Nhiều nền kinh tế hiện hầu như chưa từng trải qua biến cố tương tự Covid-19. Nhưng nhờ các bảng dữ liệu thống kê của chính phủ, ta có thấy rõ quy mô của các ngành kinh tế đang bị ảnh hưởng ra sao. Mọi người ngừng chi tiêu, người bán sẽ ngưng sản xuất. Phần lớn thế giới đang đứng trước sự thu hẹp rất lớn trong chi tiêu tiêu dùng, điều này sẽ có nghĩa là sản lượng kinh tế ít hơn và thu nhập thấp cho những người cung cấp các dịch vụ đó.
Lấy kinh tế Hoa Kỳ làm ví dụ. Bảng phân tích kinh tế về chi tiêu tiêu dùng cá nhân chỉ ra 3 loại chi tiêu có khả năng chứng kiến sự sụt giảm rất mạnh trong những tuần tới. Người Mỹ đã chi 478 tỷ USD cho các dịch vụ vận tải vào năm 2019 (bao gồm những thứ như vé máy bay và giá vé tàu hỏa chứ không phải mua ô tô cá nhân).
Họ đã chi 586 tỷ USD cho các dịch vụ giải trí và 1,02 nghìn tỷ USD cho dịch vụ thực phẩm (bữa ăn tại nhà hàng và khách sạn, không tính thực phẩm mua ở cửa hàng tạp hóa mang về nhà) và lưu trú.
Các chi tiêu đó tổng cộng lên tới 2,1 nghìn tỷ USD mỗi năm, chiếm 14% tổng chi tiêu tiêu dùng. Con số này dường như sẽ giảm liên tục trong ít nhất vài tuần và có thể lâu hơn. Nếu không nghiên cứu, chúng ta không biết số lượng tiêu thụ đó sẽ giảm bao nhiêu và trong bao lâu. Nhưng tất nhiên, chắc chắn là rất nhiều trong bối cảnh bệnh dịch.
Vậy, sự sụp đổ trong chi tiêu có ý nghĩa gì đối với thu nhập?
Doanh thu từ các lĩnh vực nói trên sẽ phân bổ đi rất nhiều nơi. Dùng để trả lương cho nhân viên, cho lao động của các công ty. Trả tiền cho các nhà cung cấp. Trả các khoản thuế tài trợ cho các dịch vụ công và công chức: ví dụ như cảnh sát và giáo viên. Trả tiền thuê cho chủ sở hữu tài sản (ví dụ như chủ đất) và lợi nhuận tích lũy cho các nhà đầu tư.
Nếu không có chi tiêu thì doanh thu giảm, và tất cả các khoản chi trả trên sẽ khó mà thực hiện.
5 lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức nhất về nhu cầu, những người có nguy cơ đối mặt với việc phá sản vì Covid-19 là: vận tải hàng không; biểu diễn nghệ thuật và thể thao; giải trí; khách sạn và nhà nghỉ khác; và nhà hàng và quán bar.
Tổng cộng, các ngành này chiếm 574 tỷ USD chi phí lao động Hoa Kỳ năm 2018, chiếm khoảng 10% trong tổng số. Và con số này chia cho 13,8 triệu nhân viên toàn thời gian. Đây là những thành phần kinh tế hứng chịu nguy cơ trực tiếp nhất, là những ngành công nghiệp và người lao động đứng trước thiệt hại lớn về doanh thu và thu nhập.
Trong nhiều tuần, khi Covid-19 mới lây lan, các nhà kinh tế đều tập trung vào cú sốc cung - hạn chế sự sẵn có của một số hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng khi nó đã trở thành đại dịch, họ đều đồng thuận rằng nền kinh tế đang bắt đầu trải qua cú sốc nhu cầu lớn chưa từng có.
Tất nhiên, sẽ có một số hiệu ứng bù đắp - ví dụ như, nhiều thực phẩm được mua từ các cửa hàng tạp hóa hơn là nhà hàng, và chi tiêu chăm sóc sức khỏe cũng lớn hơn. Nhưng nền kinh tế không thể điều chỉnh nhanh đến vậy. Thực tế là các bác sĩ, y tá và nhân viên cửa hàng tạp hóa có thể sẽ làm việc nhiều giờ hơn, nhưng không thể bù đắp cho hàng triệu bồi bàn, tiếp viên và quản lỹ khách sạn - những người có thu nhập giảm như lao dốc.
Điều gì xảy ra nếu các vụ phá sản trên diện rộng gây ra tổn thất trong hệ thống ngân hàng và tạo ra làn sóng thắt chặt tín dụng trên toàn nền kinh tế? Điều gì xảy ra nếu giá dầu lao dốc, dẫn đến mất việc làm và phá sản trên diện rộng ở các khu vực sản xuất năng lượng?
Thật khủng khiếp khi phần lớn nền kinh tế, đặc biệt là những ngành gắn liền với du lịch, dường như suy kiệt chỉ trong vòng vài tháng. Nhìn vào con số thống kê các ngành công nghiệp chính của Hoa Kỳ sau sự kiện 11/9 năm 2001, các cuộc tấn công khủng bố, có lẽ tác động kinh tế còn nhẹ hơn những gì đang xảy ra.