Việt Nam nổi tiếng với các món ăn đường phố. Ẩm thực vỉa hè làm hài lòng khách du lịch và người dân địa phương với các món ăn ngon, rẻ. Nhưng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè và lòng lề đường, vì đây là một trong những lý do chính gây tắc nghẽn giao thông và mất mỹ quan đô thị.
Không chỉ ngon, rẻ mà các gánh hàng rong hay các quầy hàng bên đường cũng được ưa chuộng vì sự tiện lợi. Người Hà Nội ít ai lại muốn phải gửi xe – kể cả là ở vỉa hè (một hành vi có thể quy vào việc lấn chiếm lòng lề đường), bước vào trong một cửa hàng nào đó chỉ để mua một nắm xôi hay một chiếc bánh mì. Cái mà họ muốn, là lập tức tấp vào ven đường, thậm chí còn không đủ lâu để phải tắt máy xe, rời đi trong vòng 2 phút với gói xôi nóng hổi trong tay.
"Nhiều người phải bán hàng kiểu này lắm, tiền đâu mà thuê cửa hàng" – chủ quán nói - "Biết là công an họ đúng và mình sai nhưng không bán thì cũng chẳng có tiền để sống. Thôi thì công an đuổi đến đâu thì mình chạy đến đấy".
Bà chủ này cho biết thu nhập của gánh bún đậu bị giảm khoảng 60% kể từ khi công an bắt đầu gắt gao hơn trong việc dẹp vỉa hè: "Những tuyến phố chính họ làm rất gắt, phố khác thì đỡ hơn một chút. Nhưng nếu mình đổi chỗ, không ngồi ở phố đông người nữa thì lại không có khách".
Việc kinh doanh của các gánh hàng rong hay các hàng quán vỉa hè cản trở lối đi lại của người đi bộ, khiến họ tràn xuống lòng đường, làm cho tình trạng tắc nghẽn vốn đã tồi tệ lại càng trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó là nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ẩm thực đường phố là một nét văn hóa ở Hà Nội từ bao đời nay. Cho dù cả triệu người giờ đã trở nên quen thuộc với pizza, hamburger và mỳ ý trong các cửa hàng sang trọng, thì các quầy vỉa hè khiêm tốn vẫn hấp dẫn thực khách từ mọi tầng lớp xã hội. Chẳng có gì là lạ khi một doanh nhân dừng ô tô ven đường để thưởng thức một bát phở gánh, cho dù là chiếc ô tô của anh ta có chiếm mất một nửa con phố.
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đã từng thành công trong việc "giành lại vỉa hè" từ các gánh hàng rong. Họ triển khai các con phố ẩm thực giành riêng cho hàng rong hoạt động trong khung giờ cố định. Trong khung giờ này họ sẽ cấm toàn bộ phương tiện giao thông di chuyển trong con phố đó.
Tuy nhiên, Hà Nội không giống Singapore. Việc phục vụ khách du lịch chỉ là một phần nhỏ trong thu nhập của họ. Miếng cơm manh áo vẫn dựa vào việc bán hàng cho người dân địa phương – những người thích sự tiện lợi của hàng quán vỉa hè.
Nếu chỉ cho phép họ bán ở một con phố, họ sẽ không có đủ lượng khách hàng để mang về thu nhập đủ sống. Họ phải đi vòng quanh các con phố, hoặc chọn một con phố thật đông đúc để ngồi bán. Việc "quy về một mối" như Singapore thực sự không giải quyết được nỗi lo cơm áo gạo tiền cho các gánh hàng vỉa hè Hà Nội.
Một số người đã bán đồ vỉa hè đến 10 năm, 20 năm và có hàng chục người xếp hàng dài để chờ được thưởng thức tay nghề của họ. Trở về Việt Nam sau nhiều năm ở nước ngoài, một người Mỹ gốc Việt nói: "Chẳng gì có thể so được với việc được ăn một bán bún chả Hà Nội, bên lề đường".
Bà Nga, 55 tuổi, đang bán cam và mơ trên vỉa hè Hà Nội: "Tôi đã bán rong mấy chục năm nay. Ở tuổi của tôi, không bán hàng rong thì tôi cũng chẳng làm gì được, tôi xin việc cũng không ai nhận".
Một người đàn ông bán café dạo khác cho biết: "Mấy năm tích cóp thì thôi đi xe đạp, mua một cái xe máy cũ đi bán cho đỡ vất. Sắp tới mà cấm xe máy thì cũng khó sống".