Rừng tre Arashiyama, một trong những địa điểm hút khách nhất ở Kyoto, Nhật Bản, vắng vẻ đến mức đủ yên tĩnh để nghe tiếng tre đung đưa trong gió. Cáp treo Ngong Ping 360 ở Hong Kong, băng qua đảo Lantau đến bức tượng Phật nổi tiếng, giờ đây treo bất động và trống rỗng. Phố cổ Hội An không còn quá ồn ào, và Siêm Riệp, nơi có những tàn tích cổ xưa của Angkor Wat ở Campuchia, Sala Lodges đã không có khách đặt phòng mới trong 3 tuần.
Dịch coronavirus đang gây thiệt hại cho du lịch toàn cầu. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, ngành này đã đóng góp 8,8 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới năm 2018. Một số nhà kinh tế cho rằng dịch bệnh có thể là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay. Các hãng hàng không dự kiến sẽ mất khoảng 29 tỷ USD doanh thu trong năm nay .
Các quốc gia châu Á gần Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Vừa là tâm điểm của sự bùng phát, Trung Quốc đồng thời cũng là nguồn khách du lịch quốc tế và chi tiêu du lịch hàng đầu thế giới. Tất cả đều đang cảm thấy gánh nặng của cuộc khủng hoảng đang lan rộng.
Trong những năm gần đây, các quốc gia ở Đông Nam Á đã đầu tư rất nhiều vào các khu nghỉ dưỡng và sòng bạc để chiếm được sự yêu thích của khách du lịch Trung Quốc. Giờ đây, các hãng hàng không, khách sạn và nhà điều hành tour du lịch đều bị hoãn hủy booking (đặt trước) hàng loạt, chủ yếu từ Trung Quốc đại lục, nhưng cũng không loại trừ việc khách phương Tây lo lắng về sự lây lan của virus trong khu vực châu Á.
Theo một phân tích của Animesh Kuma tại GlobalData, một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại London: các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Singapore, mỗi nước dự kiến sẽ thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD doanh thu liên quan đến du lịch.
"Những thiệt hại nặng nề chủ yếu là do sự vắng mặt của khách du lịch Trung Quốc, nhưng cũng vì một số khách du lịch từ các quốc gia khác e ngại về việc đi du lịch gần Trung Quốc", ông viết trong báo cáo.
Một báo cáo tuần trước từ Hopper, ứng dụng đặt vé máy bay và khách sạn, cho thấy lượt tìm kiếm các chuyến bay đến các nước châu Á, đặc biệt là đến Trung Quốc của người Mỹ đang giảm nghiêm trọng. Phân tích của Hopper cho thấy nhu cầu du lịch giảm khoảng 20% đối với Malaysia, Singapore và Việt Nam. Công ty cho biết họ đã nhìn thấy một sự thay đổi ở người Mỹ đang tìm kiếm các điểm đến trong nước trên các địa phương quốc tế.
Du khách Trung Quốc đã thực hiện 150 triệu chuyến đi nước ngoài và chi hơn 277 tỷ USD cho du lịch quốc tế vào năm 2018. Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ đã khiến khách Trung Quốc ở nhà nhiều hơn. Nhưng mọi thứ thực sự ngưng trệ khi dịch coronavirus khiến chính phủ cấm các nhóm khách du lịch ra nước ngoài và hàng chục hãng hàng không quốc tế như American Airlines và United Airlines đã hoãn các chuyến bay đến Trung Quốc đại lục .
Jenni Honkanen và Tobias Solvefjord, cả hai 39 tuổi, ở Skovde, Thụy Điển, đã có một chuyến bay từ Hong Kong đến Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng 19/2, tự hỏi liệu các điểm du lịch có bị đóng cửa hay hạn chế đi lại không. Tuy nhiên, cặp đôi không quá quan ngại. Họ biết rằng Việt Nam chỉ một số ít ca mắc (16 ca, so với hơn 77.000 ở Trung Quốc - 15/16 trong số đó đã được chữa khỏi). Họ đùa rằng, thà bị cách ly ở vùng nhiệt đới còn hơn phải chịu đựng mùa đông ảm đạm ở Skovde, có lẽ cũng không tệ lắm.
"Chúng tôi sẽ ổn thôi", cô Honkanen nói. "Hy vọng Việt Nam vẫn ổn, hy vọng thế".
Trung Quốc và Hàn Quốc từng là nguồn lớn nhất của khách du lịch của Đà Nẵng trong vài năm trở lại đây. "Tất cả khách du lịch châu Á đã lặn mất tăm", cô Clegg, 64 tuổi, quốc tịch Pháp, có bố mẹ là người Việt Nam nói. "Bây giờ, hầu hết là khách du lịch phương Tây".