Tuần trước, Tổng thống Trump đã kiến nghị nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, bởi việc đóng cửa sẽ gây ra thiệt hại kinh tế lớn. Tuy nhiên, mở cửa trở lại quá sớm có thể khiến nền kinh tế phải trả giá đắt hơn nhiều, thậm chí là theo cấp số nhân.
Theo một mô hình được xây dựng bởi New York Times, nếu Hoa Kỳ bãi bỏ các biện pháp cách ly xã hội, hơn 125 triệu người Mỹ sẽ nhiễm Covid-19, khoảng 7 triệu người có thể phải nhập viện và 1,9 triệu người dự báo sẽ thiệt mạng. Còn trong trường hợp họ thực hiện cách ly xã hội trong 2 tháng, mô hình dự đoán rằng sẽ chỉ có 14 triệu người sẽ nhiễm virus, và dưới 100.000 người thiệt mạng.
Morgan Stanley dự đoán Covid-19 sẽ làm giảm 30% GDP của Mỹ trong quý tới. GDP của Mỹ hiện là 21,43 nghìn tỷ USD. Giảm 30% có nghĩa là mất giá trị hơn 6,4 nghìn tỷ USD (trong bối cảnh dự luật cứu trợ kinh tế được ký bởi Tổng thống Trump trị giá khoảng 2 nghìn tỷ USD).
Nếu sự bùng phát của Covid-19 trở nên tồi tệ hơn do nới lỏng cách ly xã hội, thì việc dự đoán những thiệt hại kinh tế sẽ cho ra kết quả khác so với trước đó.
Các nhà kinh tế có thể tính giá trị trung bình của "một sinh mạng được cứu" bằng cách sử dụng một mô hình thống kê được gọi là "giá trị của một sinh mạng". Đó là một loại dữ liệu được sử dụng bởi một số cơ quan chính phủ, được tính toán dựa trên số tiền mà một người sẵn sàng trả để giảm nguy cơ tử vong. Ngay bây giờ, con số đó dao động khoảng 10 triệu USD.
"Nếu chúng ta có thể ngăn chặn một triệu ca tử vong theo cách thông thường, và chúng ta định giá khoảng 10 triệu USD mỗi ca, thì đó sẽ là 10 nghìn tỷ USD, một nửa GDP", James Hammitt, giáo sư kinh tế thuộc khoa chính sách y tế của Harvard chỉ ra.
Các nhà kinh tế của Đại học Chicago đã đi đến một kết luận tương tự: họ đã phát hiện ra rằng với các biện pháp cách ly xã hội, họ có thể cứu được 1,7 triệu người và ít nhất 7,9 nghìn tỷ USD.
Chi phí trung bình của một lần nằm viện cho một trường hợp viêm phổi nhẹ là 9.763 USD theo phân tích của Peterson-KFF (viêm phổi thường liên quan đến COVID-19, bệnh do coronavirus gây ra). Tổng chi phí trung bình lên tới 88.114 đô la cho các trường hợp nghiêm trọng nhất, cần hơn 4 ngày hỗ trợ máy thở. Bảy triệu ca nhập viện của các bệnh nhân mắc bệnh nhẹ sẽ có giá hơn 68 tỷ USD. Nếu 17% trong số những bệnh nhân đó cần hỗ trợ máy thở, như trường hợp của một nghiên cứu ở Trung Quốc , thì chi phí nhập viện chỉ có thể lên tới 161 tỷ USD, một con số đáng kinh ngạc, và đó là chưa kể tới chi phí cho các biến chứng sức khỏe khác liên quan đến virus.
"Bất cứ điều gì làm giảm tốc độ lây lan virus là điều tốt nhất bạn có thể làm cho nền kinh tế, ngay cả khi các biện pháp cách ly thông thường có hại cho nền kinh tế", nhà kinh tế Austan Goolsbee của Đại học Chicago nói với New York Times.
Các nhà dịch tễ học nhấn mạnh rằng, Covid-19 không phải là bệnh cúm hông thường và chúng ta không nên mong đợi trở lại bình thường trong vòng vài tuần.
Thước đo thứ nhất của virus là mức độ lây nhiễm của nó. Cúm có chỉ số lây nhiễm (hoặc R0) chỉ khoảng 1,5, nghĩa là mỗi người sẽ lây cho trung bình 1,5 người khác. Ngược lại, Covid-19, nếu không có cách ly xã hội R0 của nó có lẽ sẽ là 2,5.
Thước đo thứ hai của virus là tần suất người nhiễm bệnh phải nhập viện. Với cúm theo mùa là khoảng 1%; với Covid-19, ước tính dao động từ 5-20% phải nhập viện.
R0 cao hơn và tỷ lệ nhập viện cao hơn - Covid-19 sẽ tàn phá mạnh hơn rất nhiều. Một người bị cúm có thể làm 386 người khác bị cúm, trong 2 tháng và một số ít sẽ phải nhập viện. Nhưng trong cùng thời gian đó, một bệnh nhân Covid-19 có thể lây cho 99.000 người, trong đó gần 20.000 người có thể phải nhập viện.
Biện pháp đo lường mức độ nguy hiểm thứ ba là tỷ lệ tử vong. Đối với bệnh cúm, tỷ lệ tử vong là khoảng 0,1%. Đối với Covid-19, có những sự không chắc chắn rất lớn, nó có thể lớn hơn gấp 10 lần, khoảng 1%, và tỷ lệ này sẽ cao hơn nhiều ở các quốc gia như Ý có dân số già và bệnh viện quá tải.
Các chuyên gia y tế đã đưa ra lời khuyên: nên đóng cửa doanh nghiệp hiện tại và thực hiện cách ly xã hội để làm chậm diễn biến đại dịch, kéo dài thời gian để triển khai thử nghiệm hàng loạt và trang bị thêm các thiết bị bảo vệ cho bác sĩ. Sau đó, tùy thuộc vào tình hình, chúng ta có thể nghĩ về việc nới lỏng các biện pháp cách ly - nhưng vẫn phải chuẩn bị tinh thần cho một đợt lây lan mới mà sau đó sẽ yêu cầu các lệnh kiểm soát mới.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ bất ổn. Bài học lịch sử đã cho thấy giá trị của việc ứng phó với đại dịch kịp thời và bền bỉ. Trong đại dịch cúm ở Hoa Kỳ năm 1918, những thành phố như St. Louis, Mo., đã hành động quyết định cứu sống nhiều người. Trong cuộc khủng hoảng Covid-19, các khu vực trên thế giới như Hàn Quốc và Đài Loan, với hành động kiên quyết, đã quản lý sự lây lan tốt hơn nhiều so với những nơi phản ứng lỏng lẻo hơn, như Ý, Iran và Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Peter J. Hotez, một chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Đại học Y Baylor, kêu gọi duy trì các biện pháp kiểm soát trong ít nhất 1 tháng và sau đó đánh giá lại: "Cuộc sống là đưa ra những quyết định khó khăn trong bối cảnh không chắc chắn, và chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ giúp bạn đánh giá cao sự đánh đổi - và ý nghĩa của những nỗ lực bền vững đối với việc cách ly xã hội".