Mức độ thiệt hại, tất nhiên còn phụ thuộc vào thời gian và mức độ bùng phát. Nhưng dù dịch bệnh có phát triển theo hướng nào, đây cũng là thời điểm cần phải tính toán cẩn trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Khó có thể hình dung, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bế tắc đến thế nào. Nhiều người Trung Quốc cho biết họ ngày càng quan tâm đến khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như các tác động khủng khiếp đến kinh tế của chính phủ. Các trung tâm sản xuất và tài chính, các đô thị lớn vẫn bị phong tỏa - ít nhất là một phần. Người lao động nhập cư không thể trở lại làm việc và các nhà máy cũng không thể nhập nguyên liệu thô và luân chuyển hàng hóa của họ một cách suôn sẻ thuận lợi.
Tiêu dùng cũng đã suy giảm mạnh mẽ, vì người dân chủ yếu ở trong nhà. Các ngành dịch vụ như du lịch và nhà hàng đang bị ảnh hưởng nặng nề. Các công ty trong lĩnh vực này, cũng như các nhà sản xuất nhỏ - những người đã và đang thúc đẩy tăng trưởng việc làm của Trung Quốc - gần như rơi vào khủng hoảng.
Chính quyền Bắc Kinh có thể tăng chi tiêu công, cắt giảm thuế và cung cấp tín dụng với lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để nới lỏng chính sách tiền tệ. Nỗ lực cứu nền kinh tế với tín dụng giá rẻ sẽ làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng, điều mà chính phủ nhận ra, nhưng đây là thời điểm tuyệt vọng của họ, The New York Times viết.
Trong mọi trường hợp, không biện pháp nào trong số những biện pháp này sẽ có tác động đủ lớn, cho đến khi hoạt động thương mại khôi phục trở lại. Hơn nữa, hệ thống ngân hàng truyền thống của Trung Quốc có xu hướng phân phối tín dụng cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước thay vì các công ty tư nhân nhỏ hơn đang gặp khó khăn.
Thị trường Trung Quốc có quy mô đặc biệt lớn, cùng với vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thống trị thị trường hàng hóa. Đồng nghĩa với việc: một cú hích đối với Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể đến toàn thế giới. Giá dầu đã giảm khi triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc suy yếu, trpng bối cảnh du lịch quốc tế, đặc biệt là đến và đi từ Trung Quốc cùng giảm.
Diễn biến của coronavirus cũng dẫn đến một số thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với mức lương tăng của công nhân Trung Quốc và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, dịch bệnh có thể khiến các công ty đa quốc gia đánh giá lại chuỗi cung ứng của họ và giảm thiểu việc sản xuất tại Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, dịch coronavirus có thể chỉ có tác động hạn chế đối với nền kinh tế Mỹ, nhưng bằng cách tạo thêm sự bất ổn và làm gián đoạn chuỗi cung ứng ở châu Á, nó cũng sẽ trở thành một yếu tố có khả năng kìm hãm tăng trưởng của Mỹ và toàn cầu vào năm 2020.
Sự hồi phục mới chớm trong tình cảm kinh doanh và đầu tư có được từ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vào tháng trước đã sụp đổ bởi "đám mây đen" bất ổn của coronavirus với đối với thương mại toàn cầu. Một cuộc suy thoái toàn cầu chưa chắc chắn sẻ xảy ra, nhưng ít nhất, sự xáo trộn sẽ hạn chế đầu tư và năng suất, vốn đã đang là vấn đề của tất cả các nền kinh tế lớn.
Dịch bệnh coronavirus có thể đem lại những bài học không chỉ cho chính phủ Trung Quốc mà còn cho cả Hoa Kỳ. Nếu lịch sử lặp lại, như những dịch bệnh trước đó, coronavirus cuối cùng sẽ được kiểm soát, nền kinh tế Trung Quốc và thế giới sẽ trở lại đúng hướng, nhưng có lẽ là sau một khoảng thời gian "đau đớn' để hồi phục.