Phần lớn game thủ có lẽ đã quá quen với khái niệm mua bán vật phẩm ảo (microtransaction) trong các game online. Giá trị của vật phẩm ảo được đo đạc bằng đơn vị tiền tệ in-game và có thể được định giá rất cao tùy độ hiếm của món đồ và độ hot của trò chơi đó. Chẳng hạn, trước những năm 2010, một đại gia sẵn sàng bỏ ra tới gần nửa tỷ đồng để mua hai chiếc nhẫn ảo trong game online chỉ để đua tranh danh hiệu Top 1.
Theo thời gian, giá trị của vật phẩm ảo trong game online cũng đi xuống vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, vật phẩm ảo đã có sự trở lại đầy mạnh mẽ trong thế giới công nghệ nhờ sự hiện diện của tiền mã hóa (cryptocurrency).
Một sàn đấu giá các tác phẩm số NFT
Nếu so sánh với tiền thật, tiền mã hóa không có gì để phân biệt giữa hai đồng tiền cùng một loại như Bitcoin hoặc Ethereum. Một đồng Bitcoin trong ví người này cũng là giống hệt một đồng Bitcoin trong ví người khác, trong khi tờ tiền cùng một mệnh giá được phân biệt bởi số serial in trên đó. Ngoài ra, tiền ảo còn có thể bị chia nhỏ ở đơn vị dưới 1 (mà vẫn có thể giao dịch được) trong khi rõ ràng là không ai có thể xé tờ 1 nghìn đồng ra để tiêu cả.
Để khắc phục hạn chế này, NFT (non-fungible token) đã ra đời dựa trên thuật toán giống tiền mã hóa. Nó có tính ẩn danh, phi tập trung hóa và không thể bị giả mạo bởi được mã hóa với chữ ký số của người tạo ra nó trên blockchain.
NFT cũng là các vật phẩm ảo nhưng có tính độc nhất vô nhị, được công khai để mọi người đều biết và không thể bị thao túng, xóa bỏ hoặc làm nhái bởi bất cứ ai. Với game online, vật phẩm ảo là thứ có thể bị nhân bản vô hạn (duplicate), dễ dàng bị kiểm soát bởi nhà phát hành/nhà phát triển và không còn chút giá trị nào khi game đó đóng cửa.
NFT đã có lịch sử ra đời từ khoảng năm 2012, nhưng khi đó nhiều người vẫn chưa chú ý tới nó. Khoảng năm 2017, ảnh chế và meme đã được đưa lên chợ phi tập trung hóa để giao dịch bằng đồng Ethereum. Cùng năm đó, game nuôi mèo ảo trên nền tảng blockchain CryptoKitties được chính thức giới thiệu trong cộng đồng Ethereum.
Từ đây, thời kỳ bùng nổ hệ sinh thái NFT đã diễn ra với vô vàn các game, thẻ bài, sàn đấu giá ra đời. Nôm na, NFT giống như một thú sưu tầm đồ công nghệ 4.0 mà lại vô cùng an toàn cho cả người bán lẫn người mua nhờ những ưu điểm của nền tảng blockchain.
Tuy nhiên, NFT chỉ được nhắc đến rất nhiều trong vòng ít tháng qua bởi những tin tức mới đây khiến giới công nghệ ngỡ ngàng. Đầu tiên là bức tranh số NFT của họa sĩ Beeple trở thành vật phẩm ảo đầu tiên trên thế giới được đưa lên bán đấu giá ở nhà bán đấu giá danh tiếng Christie's (Vương quốc Anh, thành lập năm 1766). Nhờ đó, người ta mới biết được họa sĩ này trước đấy đã bán được một bức họa có tên Crossroads với giá 6,6 triệu USD trên chợ số NFT. |
Ít ngày trước, dân mạng tiếp tục sửng sốt khi nghe tin bạn gái của tỷ phú Elon Musk, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Grimes đã bán bộ sưu tập tranh số NFT với giá hơn 5,8 triệu USD chỉ trong chưa đầy 20 phút.
Gần nhất, nhóm nhạc rock Kings of Leon đã tuyên bố phát hành album nhạc số với 6 phiên bản NFT đặc biệt với giá 50 USD. Với đặc tính của NFT, người mua sẽ sở hữu hoàn toàn album chính chủ, chuyển nhượng bất cứ khi nào cho bất cứ ai mà lại tuyệt đối an toàn.
Trong môn bóng rổ, nền tảng NBA Top Shot chuyên bán bộ sưu tập các thẻ bài số và clip của cầu thủ đã ghi nhận tổng giá trị giao dịch lên tới 280 triệu USD tính tới thời điểm hiện tại.
Theo Coinmarketcap, hiện đã có 76 NFT gắn với các đồng tiền ảo tương ứng đã lên sàn. Nhưng các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng sự quan tâm quá mức hiện nay có thể tạo ra bong bóng NFT, tương tự như vụ nổ bong bóng ICO (đợt phát hành coin đầu tiên lên sàn) giai đoạn 2017-2018.