Goldman Sachs là ngân hàng phương Tây đầu tiên rời khỏi Nga sau khi Nga tấn công quân sự Ukraine. Sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp làm như vậy dù họ phải thiệt hại hàng tỷ USD.
Theo CNN dẫn công bố mới nhất của Goldman Sachs vào ngày thứ Năm, ngân hàng này sẽ thu hẹp hoạt động kinh doanh tại Nga nhằm tuân thủ với các yêu cầu về chính sách.
Nhiều ngân hàng phương Tây từ trước đó đã công bố giảm hoạt động tại Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tấn công quân sự Ukraine, phía phương Tây đã đáp trả bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt trong đó ảnh hưởng trên diện rộng đến hệ thống tài chính nước này, trong đó có bao gồm ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại hàng đầu tại Nga như VTB hay Sberbank.
Hàng loạt doanh nghiệp phương Tây đã rút dần khỏi nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Nga, các cơ quan xếp hạng tín dụng cảnh báo khả năng Nga vỡ nợ đang gần đến.
Nhiều ngân hàng quốc tế hiện đang nắm khoản nợ ước tính 121 tỷ USD của các thực thể Nga, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). BIS đã hủy tư cách thành viên của Nga vào ngày thứ Năm. Các ngân hàng châu Âu nắm khoản nợ ước tính 84 tỷ USD của ngân hàng Nga, trong đó, ngân hàng Pháp, Italy và Áo hiện đang là chủ nợ lớn nhất. Ngân hàng Nga đang nợ ngân hàng Mỹ ước tính 14,7 tỷ USD.
Goldman Sachs trước đó công bố rằng họ đang có khoản tín dụng ước tính 650 triệu USD liên quan đến Nga tính đến thời điểm tháng 12/2021.
Nhiều ngân hàng khác sẽ tiếp tục mất tiền. Phát ngôn viên của Kremlin, ông Dmitry Peskov, vào ngày thứ Năm nói rằng tình hình kinh tế tại Nga hoàn toàn chưa từng có tiền lệ và đổ lỗi cho phương Tây về cuộc chiến kinh tế. Moscow đã cam kết sẽ trả đũa các biện pháp trừng phạt, nhiều ngân hàng nước ngoài trong khi đó lo ngại rằng tài sản của họ sẽ có thể bị thâu tóm hoặc quốc hữu hóa bởi Kremlin.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings trước đây từng cảnh báo rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng tại châu Âu sẽ chịu áp lực bởi việc Nga tấn công quân sự Ukraine và hoạt động của họ đối diện với rủi ro tăng dần khi mà họ chạy đua để tuân thủ với các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Vào tuần trước, ngân hàng Pháp Societe Generale khẳng định đang tuân thủ với mọi quy định pháp luật hiện hành và quy định, đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để thực thi đủ các biện pháp trừng phạt quốc tế ngay khi nó được công bố.
Theo ngân hàng Societe Generale, ngân hàng này có thừa khả năng để hấp thụ tác động do hậu quả của kịch bản xấu, theo đó Societe Generale sẽ bị tước mọi quyền tiếp cận liên quan đến tài sản tại Nga.
Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đánh giá rủi ro với ngành ngân hàng nước này, ECB khẳng định hệ thống tài chính châu Âu có đủ thanh khoản để ứng phó và không có nhiều dấu hiệu căng thẳng.
Phó chủ tịch ECB, ông Luis de Guindos, nhận xét Nga có vị thế quan trọng xét đến vai trò trên thị trường năng lượng, còn nếu xét đến ngành tài chính, Nga cũng không phải quá quan trọng, các áp lực và căng thẳng mà thế giới đang chứng kiến không thấm vào đâu so với những gì từng diễn ra thời kỳ đầu đại dịch COVID-19.