Hãng thông tấn nhà nước Nga, TASS, hôm thứ Sáu (4/3) đưa tin Bộ Công Thương nước này khuyến nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến khi các dịch vụ vận chuyển trong và ngoài nước Nga được nối lại bình thường.
Một động thái như vậy chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón giữa bối cảnh giá mặt hàng này vốn đã duy trì ở cao kéo dài mấy năm nay, sẽ gây thiệt hại đáng kể cho nông dân trên toàn thế giới.
Các loại phân bón như potash (kali) và nitrogen (nitơ) phần lớn được vận chuyển bằng tàu hỏa và tàu thủy. Những hoạt động đó đã bị ảnh hưởng kể từ khi Nga thực hiện "Chiến dịch đặc biệt" ở Ukraine khiến các hãng nước ngoài tránh xa khu vực này. Ví dụ: một số công ty vận tải biển lớn, bao gồm cả các nhà khai thác tàu container lớn nhất thế giới — A.P. Moller-Maersk A/S và Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải — đã tạm ngừng các tuyến đến và đi từ các cảng của Nga.
Riêng đối với phân bón, TASS đưa tin đã "xuất hiện tình huống một số công ty hậu cần nước ngoài phá hợp đồng, khiến nông dân ở châu Âu và các quốc gia khác không thể nhận được số lượng phân bón mà họ đã ký hợp đồng".
Giá phân bón đã tăng vọt trong năm qua. Ví dụ, giá amoniac khan, một loại phân bón chính được sử dụng cho cây ngô, đã đạt mức cao kỷ lục vào tháng trước, là 1.492 USD/tấn. Nguyên nhân chủ yếu do giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng quá mạnh, khiến một số nhà sản xuất phải giảm sản lượng, thậm chí một số trường hợp phải đóng cửa sản xuất. Khí thiên nhiên là thành phần chính trong sản xuất nhóm phân bón có chứa nitơ. Giá cước vận chuyển, thuế quan, thời tiết khắc nghiệt và các lệnh trừng phạt đối với Belarus – nơi chiếm khoảng 1/5 nguồn cung kali toàn cầu – cũng là những yếu tố làm tăng giá cả.
Xung đột Nga – Ukraine leo thang khiến thị trường này càng thêm căng thẳng. Chỉ số Giá Phân bón Bắc Mỹ của Green Markets (Green Markets North American Fertilizer Price Index) đã tăng 10% vào thứ Sáu (4/3) lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021. Giá phân urê – loại phân nitơ phổ biến nhất - tại New Orleans đã tăng thêm 5% trong tuần này, sau khi đã tăng kỷ lục 29% trong tuần kết thúc vào ngày 25 tháng 2.
Được biết, Nga là một nhà xuất khẩu chính của mọi loại chất dinh dưỡng cây trồng với giá rẻ. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Nga chiếm 18% thị trường kali trong năm 2017. Trong số các loại phân bón khác, Nga cũng chiếm 20% lượng amoniac xuất khẩu và 15% lượng urea (urê) xuất khẩu của toàn thế giới.
Alexis Maxwell, nhà phân tích của ấn phẩm Green Markets thuộc Bloomberg, cho biết Nga là nhà xuất khẩu urê lớn nhất thế giới và nhà sản xuất kali lớn thứ 2 thế giới.
"Mất đi nguồn cung xuất khẩu lớn từ Nga sẽ là một cú sốc lớn từ phía nguồn cung đối với thị trường." Bà Maxwell thêm rằng: "Sự vắng mặt của họ trên thị trường toàn cầu sẽ làm gia tăng sức ép lên những người mua vốn đang phải tranh giành từng tấn phân bón".
Top các nhà cung cấp phân kali hàng đầu thế giới.
Việc ngừng xuất khẩu từ Nga đẩy giá phân bón tăng hơn nữa sẽ tạo thêm áp lực lạm phát đối với nông dân trên toàn cầu, những người vốn đã phải trả giá cao hơn đáng kể cho tất cả mọi nguyên liệu đầu vào, từ nhiên liệu, hóa chất diệt cỏ đến hạt giống cây trồng và lao động thời vụ, đồng nghĩa với việc làm tăng chi phí lương thực khi giá cả trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục.
Thị trường toàn cầu vốn đã rất dễ bị tổn thương khi nông dân ở Brazil - nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới - đang gặp khó khăn trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Quốc gia Nam Mỹ này đứng đầu thế giới về xuất khẩu đậu tương, cà phê và đường. Do đó, nguy cơ giảm lượng phân bón và chi phí tăng thêm nữa có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực. Trong khi đó, mối đe dọa về một cuộc đình công của ngành đường sắt ở Canada, nhà cung cấp kali hàng đầu thế giới, càng góp phần làm tăng nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng phân bón.
Chỉ số giá thực phẩm của Liên hợp quốc đã tăng gần 4% lên mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2/2022, đạt trung bình 140,7 điểm, từ mức 135,4 điểm của tháng 1/2022, và tăng 24,1% so với tháng 2/2021.
Theo nhà phân tích Maxwell: "Việc thay thế khối lượng phân bón của họ sẽ mất gần nửa thập kỷ, và trong một số trường hợp, gần như là không thể, vì Nga sở hữu các mỏ khoáng sản lớn và quan trọng hiếm có ở những nơi khác trên toàn cầu, không một quốc gia nào khác sẵn có phân bón xuất khẩu như nước này. Phân bón của họ được chuyển đến tất cả các lục địa".
Không khó để diễn đạt tầm quan trọng của phân bón. Sự ra đời của phân bón amoniac tổng hợp cách đây khoảng một thế kỷ và đã nhanh chóng được tiêu thụ rộng rãi sau đó, giúp sản xuất lương thực theo kịp tốc độ tăng dân số toàn cầu, giải phóng nhân loại khỏi sự ràng buộc trong thuyết dân số cổ điển của Malthus. Vào thời điểm đó, dân số hành tinh là 1,7 tỷ người, đến nay đã tăng lên 7,7 tỷ người, phần lớn nhờ vào sự tăng trưởng vượt bậc về năng suất cây trồng. Một số chuyên gia đã ước tính rằng dân số toàn cầu có thể chỉ bằng một nửa so với ngày nay nếu không có phân đạm.
Tham khảo: Wsj, Bloomberg