Theo phía Nga, vùng cấm bay là cần thiết để ngăn ngừa những vụ việc tương tự như chiếc Il-20 của không quân nước này bị bắn nhầm. "Cần thiết phải có vùng cấm bay và công bố rộng rãi rằng bất cứ vật thể bay nào xuất hiện trái phép trong khu vực cũng sẽ bị bắn hạ", ông Viktor Bondarev, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Nga, cho biết sáng 24/9 theo giờ Moscow.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng tuyên bố Nga sẽ trang bị cho Syria hệ thống phòng không S300 tối tân với hệ thống kiểm soát bắn tự động và ưu việt. Sự cố máy bay tuần thám Il-20 bị bắn nhầm khiến 15 quân nhân thiệt mạng hôm 17/9 là lý do khiến Nga có những bước đi cương quyết nhằm bảo vệ tài sản và nhân mạng của mình trên đất Syria.
Theo đó, chiếc Il-20 bị hệ thống phòng không Syria bắn rơi ở vùng biển nằm cách Syria khoảng 35 km. Nó đang trên đường trở về căn cứ không quân Hmeimin của Nga đặt ở tỉnh Latakia. Theo báo cáo, 4 chiến đấu cơ F-16 của không quân Israel đã gây tác động để chiếc Il-20 không tới được khu vực an toàn khi lực lượng này bắt đầu không kích các mục tiêu Syria.
Cuối tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố Israel đã gây ra tình huống nguy hiểm khi sử dụng máy bay Nga làm lá chắn trước hệ thống phòng không Syria. Phía Nga cũng đổ lỗi cho Israel phải chịu trách nhiệm cho vụ việc. Về phần mình, Israel đổ lỗi cho sự thiếu chuyên nghiệp của phòng không Syria là nguyên nhân gây ra thảm kịch.
Nga cáo buộc Israel sử dụng chiếc Il-20 làm lá chắn trong vụ không kích Syria.
Ngay sau vụ việc, phía Israel cũng đã bày tỏ chia buồn với mất mát của phía Nga đồng thời tuyên bố sẽ cử Tư lệnh Không quân nước này tới Moscow để chuyển giao tài liệu chi tiết có liên quan tới vụ việc. Tuy nhiên, Nga không chấp nhận lời giải thích của phía Israel nên đã triển khai những bước đi cứng rắn hơn nhằm bảo vệ tài sản và lợi ích của mình trên đất Syria.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố không chấp thuận lời giải thích của phía Israel cho vụ việc. Tuy nhiên, phía Nga không muốn một mối quan hệ căng thẳng với Israel.
S-300 của Nga là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa, có khả năng đánh chặn các loại máy bay chiến đấu, máy bay ném bom hay tên lửa hành trình. Hệ thống radar của S-300 có thể theo dõi tới 100 mục tiêu và bám sát 6 mục tiêu trong số đó. Thời gian triển khai 5 phút giúp hệ thống này cơ động với các nhiệm vụ phòng thủ.