Trong khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) và các nước sản xuất dầu lớn khác trên thế giới chuẩn bị cho cuộc họp tại Algiers vào ngày 23/9/2018 để đánh giá nhu cầu dầu của thị trường thế giới trong những quý sắp tới, Nga một lần nữa lại chứng tỏ vai trò mới của mình trong việc "điều khiển" giá dầu và là một đối tác mới quan trọng của Trung Đông.
Hiện không có nhiều người hiểu rõ về sự hồi sinh của ngành dầu mỏ Nga. Sau khi giá dầu giảm mạnh vào năm 2014, trái với xu hướng chung, ngành năng lượng của Nga tăng tốc phát triển, và điều đó đã giúp họ tăng mạnh vị thế trong việc quyết định giá dầu thế giới.
Khi Nga bổ sung gần 300.000 thùng dầu/ngày vào tháng 6/2018 theo thỏa thuận với Saudi Arabia, gần như toàn bộ sản lượng đó đến từ những giếng dầu mới thăm dò được, và hầu như không có chút nào trong khối lượng đó khai thác từ những mỏ cũ đã bị đóng cửa vào năm 2017.
Nhờ giá dầu tăng, hàng năm Nga đang bổ sung thêm 3% đầu tư cho các cơ sở sản xuất "vàng đen", tăng so với mức 1% của thời gian trước, và dự kiến tốc độ này sẽ được duy trì ít nhất trong vài năm tới.
Cũng như trước kỳ họp trước giữa OPEC và các đồng minh (tháng 6/2018), Nga đã chủ động tăng sản lượng trước kỳ họp, và lần này cũng vậy. Thông tin từ nước này cho hay, sản lượng dầu mỏ Nga hiện đang ở mức 11,33 triệu thùng/ngày, so với 11,16 triệu thùng/ngày của tháng 8/2018. Giới chuyên môn nhận định, Nga sẽ bổ sung thêm 200.000 thùng dầu/ngày cho thị trường nếu các nhà sản xuất chủ chốt quyết định cần phải tăng sản lượng trong những tháng sắp tới.
Khả năng này thậm chí còn cao hơn so với kỳ họp tháng 6, bởi sắp tới thị trường có thể bị hụt 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, bao gồm 1 triệu thùng/ngày từ Iran do bị Mỹ trừng phạt và 300.000 thùng/ngày từ Venezuela do chính bản thân nước này không thể duy trì được tốc độ sản xuất.
Và Nga đang dẫn dắt thị trường dầu. Bằng việc cùng gánh vác chung với Saudi Arabia tăng sản lượng để bù đắp cho phần sụt giảm từ Iran, thị phần của Nga đang tăng lên. Mà thậm chí việc Moscow tăng sản lượng còn được Wahshington hoan ngênh vì giúp cho giá dầu duy trì ở mức vừa phải, không tăng quá mạnh.
Có thể năm 2016 Nga đã tham gia vào nhóm các nước sản xuất chủ chốt vì những lý do có tính chất lợi ích cơ bản của quốc gia – vào thời điểm đó giá dầu thấp khiến dự trữ ngân sách của Moscow sụt giảm chỉ còn 70 tỷ USD, từ mức 175 tỷ USD đầu năm 2014.
Nhưng Nga tham gia vào nhóm là theo lời đề nghị của Saudi Arabia, quốc gia đã phải thừa nhận rằng một mình mình không thể tạo ảnh hưởng tới thị trường dầu toàn cầu như trước đây nữa. Nói đơn giản là OPEC đã làm mất thị trường của mình.
Tổ chức này có công suất khoàng 35 triệu thùng/ngày vào năm 1980, khi đó tổng nhu cầu dầu toàn cầu chỉ khoảng 65 triệu thùng/ngày. Hiện nay công suất của họ vẫn gần như ở mức đó, nhưng quy mô thị trường toàn cầu đã lên tới 100 triệu thùng/ngày, quá lớn để chỉ một mình OPEC có thể điều khiển được.
Trong quá trình này, Nga đã đạt được 2 mục tiêu lớn về chính sách đối ngoại, dựa trên hai cuộc khủng hoảng mà Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh khác đang vấp phải: một nữa là cuộc khủng hoảng của thị trường dầu mỏ - nơi mà OPEC đã mất đi sức mạnh của mình; một nữa là cuộc khủng hoảng ở các nước Trung Đông.
Không giống như các nước vùng Vịnh – là đối tác từ lâu của Mỹ và được Mỹ bảo vệ, Nga có vai trò trực tiếp đối với cả 2 yếu tố kể trên, nhất là họ có quan hệ cởi mở với Iran và đã gây dựng được ảnh hưởng đáng kể đối với tất cả các nước trong khu vực. Tiếng nói của Nga ở Vùng Vịnh có trọng lượng riêng mà Mỹ không thể có được, bao gồm cả đối với Tehran.
Nga cũng đã củng cố được vị thế của mình trên thị trường dầu mỏ, cao hơn nhiều so với thời điểm trước năm 2016 – khi OPEC thỏa thuận hạ sản lượng 1,8 triệu thùng dầu/ngày để giảm bớt lượng dư thừa trên toàn cầu nhằm vực giá tăng lên.
Việc Nga tích cực dầu tư cho ngành dầu mỏ với công nghệ ngày càng hiện đại và thành công trong lĩnh vực này với vô vàn giếng dầu mới trên khắp lãnh thổ rộng lớn của mình đã tạo nên sức mạnh mới cho Nga trên bản đồ năng lượng toàn cầu.
Toàn bộ hoạt động này càng được hỗ trợ hơn nữa bởi hệ thống thuế của Nga, theo đó cung cấp các điều kiện thuận lợi cho cả dự án mới phát triển cũng nhưng nhưng dự án đang hoạt động. Vì thế, Nga đang tiến tới vị thế trở thành người có vai trò chủ chốt trong việc giữ gìn sự ổn định ở Trung Đông và định giá trên thị trường dầu mỏ - vị thế mà Nga chưa từng có được từ trước tới nay.