Ngày 16-1, nhật báo RBK dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Nga xác nhận giá dầu trung bình nước này bán ra trong giai đoạn 15-12-2022 đến 14-1-2023 là 46,82 USD/thùng.
Mức giá này thấp hơn nhiều mức trần giá 60 USD/thùng của G7 đối với xuất khẩu dầu thô của Nga, và tương đương một nửa giá của dầu Brent được giao dịch ở mức trên 85 USD/thùng ngày 16-1.
Giá dầu của Nga được cho là đã giảm 1/4 sau khi Liên minh châu Âu (EU), G7 và Úc áp dụng giá trần và các nước EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Anh hạn chế nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.
Theo dữ liệu của RBK, vào tháng 12-2021, giá dầu Nga trung bình vào cuối năm 2021 là 72,71 USD/thùng.
Trước đó, các chuyên gia cho rằng mức trần của phương Tây sẽ có ít tác động ngay lập tức đến doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Theo Bộ Tài chính Nga, xuất khẩu dầu khí được dự báo chiếm 42% doanh thu của nước này trong năm nay với 11,7 nghìn tỉ rúp (172 tỉ USD), tăng từ so với 9,1 nghìn tỉ rúp (133 tỉ USD) vào năm 2021.
Dầu của Nga đang đổ nhiều về châu Á. Ngày 16-1, Hãng tin Reuters cho biết Ấn Độ hiện là nước mua nhiều dầu nhất từ Matxcơva với nhập khẩu tăng 400% trong 8 tháng cuối năm 2022. New Delhi cũng trở thành "cửa sau" cho dầu Nga đi vào châu Âu khi các nhà nhập khẩu năng lượng như của Anh đang đẩy mạnh mua sản phẩm từ các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ.
Mới đây, các dữ liệu và nguồn tin thương mại cũng cho thấy ít nhất 4 tàu chở dầu của Bắc Kinh đang chở dầu từ Nga sang Trung Quốc trong bối cảnh các công ty vận chuyển phương Tây né lệnh trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc cũng là quốc gia đang mua nhiều năng lượng của Nga.
Việc sử dụng các tàu chở dầu của châu Á sẽ giúp Nga cắt giảm được chi phí vận chuyển, bù đắp lại việc giảm giá và quãng đường xa hơn.