Nga đã dành nhiều năm để xây dựng kho dự trữ vàng khổng lồ - tài sản mà các ngân hàng trung ương dùng khi bị khủng hoảng. Nhưng mọi nỗ lực bán vàng của Nga lúc này sẽ là thách thức.
Theo Bloomberg, kể từ giữa những năm 2000, Nga đã tăng dự trữ vàng lên gần gấp 6 lần, tạo ra kho dự trữ vàng lớn thứ 5 thế giới với giá trị khoảng 140 tỷ USD. Vàng là loại tài sản mà Nga có thể bán ra để nâng cao giá trị đồng rúp vốn đã sụt mạnh khi nền kinh tế bị cô lập kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại Ukraine.
Song sẽ rất khó để bán được số vàng này, bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và EU đã cấm các tổ chức giao dịch làm ăn với Ngân hàng Trung ương Nga. Các nhà giao dịch và các ngân hàng cũng cảnh giác với việc mua vàng miếng của Nga một cách gián tiếp hoặc sử dụng những ngoại tệ khác bởi lo ngại danh tiếng bị tổn hại hoặc vi phạm các lệnh trừng phạt.
Ngoài ra, Washington cũng muốn có các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với những ai mua và bán vàng của Nga.
Theo ông Jeff Christian - Đối tác quản lý của Tập đoàn CPM - Moscow có thể hướng tới các ngân hàng trung ương ở các quốc gia như Ấn Độ hoặc Trung Quốc để bán vàng hoặc làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.
"Họ có thể mua số vàng này với giá chiết khấu so với giá thị trường", ông Christian nói và cho rằng Nga cũng có thể bán vàng thông qua Sở Giao dịch vàng Thượng Hải, mặc dù doanh số bán có thể sẽ rất nhỏ.
Tuy nhiên, một động thái của các Thượng nghị sĩ Mỹ nhằm ngăn cản các giao dịch vàng của Nga có thể sẽ ngăn các ngân hàng ở những nơi như Trung Quốc và Ấn Độ mua và bán vàng thỏi của Nga. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng muốn tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều đó sẽ làm giảm các lựa chọn của Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga chưa có bình luận gì về vấn đề này.
Một số nước khác cũng đã cố gắng chuyển sang vàng khi đối mặt với các lệnh trừng phạt. Theo cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya Farhat Bengdara, ông Muammar Gaddafi đã bán một phần vàng trong kho dự trữ của Libya để chi trả cho quân đội.
Venezuela cũng từng đấu tranh để tiếp cận kho vàng được cất giữ tại Ngân hàng Trung ương Anh khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido được công nhận là tổng thống. Cựu Tổng thống Hugo Chavez đã cho hồi hương phần lớn vàng của Venezuela về nước.
Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên năm 2020, vàng của Ngân hàng Trung ương Nga được lưu trữ trong nước.
Citigroup cho biết, nếu Nga rơi vào khó khăn, họ có thể bán vàng miếng trong nước để mua đồng rúp. Nếu việc bán vàng được thực hiện ở một mức giá cố định, điều đó sẽ tương đương với bản vị vàng nội bộ.
Chiến lược gia Zoltan Pozsar của Credit Suisse Group AG, cũng cho rằng: "Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, về cơ bản bạn có thể neo vào vàng. Bạn cần một mỏ neo trong những tình huống như thế này".
(Theo Dân trí)