Gazprom cho biết, công ty này sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng trên bờ của Nord Stream 2 ở Nga nhằm tăng cường cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở khu vực Tây Bắc nước này.
Kế hoạch của Gazprom được đưa ra trong bối cảnh Châu Âu đang tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Ngày 5/5, Đức, khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga, bắt đầu thuê 4 trạm nổi để nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG).
Việc nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Nga càng trở nên cần thiết hơn đối với EU sau khi Nga đóng van khí đốt sang Ba Lan và Bulgaria do 2 nước từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Việc Gazprom tận dụng Dòng chảy phương Bắc 2 để phục vụ khách hàng trong nước đồng nghĩa với việc sẽ chỉ có 1 nhánh trong hệ thống đường ống kép có thể sử dụng ngay lập tức để cung cấp cho EU nếu khối này thay đổi quyết định và phê duyệt dự án.
Đường ống cuối cùng trong nhánh thứ hai của Nord Stream 2, mang số hiệu 200858, đã được hàn vào vị trí và tiến tới lắp đặt tại vùng biển của Đức. Ảnh: Nord Stream AG
Trước đó, phương Tây đã yêu cầu dừng đường ống khí đốt Nord Stream 2 trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Sau sự kiện ở Ukraine hồi tháng 2, Đức đã chặn việc chứng nhận hoàn thành đường ống trị giá 11 tỷ USD của Nga. Kể từ đó, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga đã quyết định sử dụng đường ống để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
"Định dạng lại cơ sở hạ tầng Nord Stream 2 sẽ là một phương án hữu ích, hỗ trợ đáng kể cho thị trường Nga và quá trình khí hóa của các khu vực. Điều này cũng sẽ tạo ra cơ hội để khởi động các dự án khí đốt mới," truyền thông Nga cho biết vào tuần này.
Phó Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Alexei Grivach, cho biết động thái này không có nghĩa là Nga từ bỏ đường ống Nord Stream 2 nhưng với tình hình hiện nay, họ sẽ sử dụng đường ống theo cách như lúc này.
Nord Stream 2 là dự án đường ống cung cấp nhiên liệu khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Đức thông qua một đường ống dưới Biển Baltic.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Nga là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất trên thế giới vào năm 2021.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã theo đuổi một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu khí của Nga sau sự kiện hồi tháng 2.
Cụ thể, Mỹ đã chặn tất cả các hoạt động mua dầu của Nga trong tương lai. Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đã có động thái chuẩn bị cắt đứt hoàn toàn việc mua dầu từ Nga cho tới cuối năm 2022.
Liên minh châu Âu - nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga, tiếp tục đề xuất gói trừng phạt mới, cấm tất cả dầu của Nga tới châu Âu.
Tuy nhiên, ngay cả khi phải đối phó với một loạt các biện pháp trừng phạt, Nga vẫn được kỳ vọng sẽ thu lại lợi nhuận đáng kể từ việc xuất khẩu năng lượng trong năm nay.