Thep Reuters, Ngân hàng trung ương Nga (CBR) đã quyết định giữ lãi suất cơ bản ở mức 20% và cho biết họ sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ.
Theo đó, các nhà hoạch định chính sách của CBR đã tổ chức một cuộc họp vào thứ Sáu (18/3) theo lịch trình sau khi tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản, từ 9,5% lên 20% vào ngày 28/2 để ổn định thị trường tài chính và hỗ trợ đồng rúp. Đồng rúp đã rơi xuống mức thấp kỷ lục khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga vì các hoạt động quân sự của nước này tại Ukraine.
Quyết định duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong gần hai thập kỷ được CBR đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin đề xuất nhiệm kỳ thứ ba đối với Thống đốc Elvira Nabiullina.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullin cũng cho biết CBR sẽ bắt đầu mua trái phiếu chính phủ trên Sở giao dịch Moscow vào thứ Hai tuần tới.
"Sau khi tình hình thị trường tài chính ổn định, chúng tôi đang có kế hoạch bán toàn bộ số trái phiếu này để trung hòa tác động của giao dịch này đối với chính sách tiền tệ", Thống đốc Nabiullina nói.
Giao dịch cổ phiếu và trái phiếu trên Sở giao dịch Moscow đã bị tạm dừng kể từ ngày 28/2, trong khi thị trường tiền tệ vẫn hoạt động bình thường. Đồng rúp chạm mức thấp nhất mọi thời đại là 120 rúp đổi 1 đô la vào ngày 6/3 đã làm gia tăng lạm phát tiêu dùng.
Trong một tuyên bố, CBR cho biết Nga đang bước vào "giai đoạn tạm thời nhưng không thể tránh khỏi của lạm phát gia tăng" và các chỉ số cho thấy sự suy giảm trong nền kinh tế sẽ thu hẹp trong những quý tới.
Ngân hàng trung ương Nga không đưa ra dự báo lạm phát và tăng trưởng kinh tế cho năm nay, tuy nhiên đặt mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức 4% vào năm 2024.
''Chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nga được thiết lập để cho phép nền kinh tế dần thích ứng với các điều kiện mới và đưa lạm phát hàng năm trở lại 4% vào năm 2024'', CBR cho biết.
Trước đó, 18 nhà kinh tế được CBR thăm dò ý kiến vào tuần trước dự báo nền kinh tế Nga sẽ thu hẹp 8% và lạm phát đạt 20% vào năm 2022.
Lạm phát thường niên của Nga đã tăng lên 12,54% tính đến ngày 11/3, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 do đồng rúp suy yếu khiến giá cả tăng vọt. Thống đốc Nabiullina cho rằng mức tăng giá đột biến chủ yếu do việc người dân mua hàng hóa tiêu dùng một cách hoảng loạn, tuy nhiên tình trạng này đã chậm lại.
Lạm phát cao làm giảm mức sống của người dân và là một trong những mối lo ngại chính của các hộ gia đình. Do vậy, mặt bằng lãi suất cao hơn giúp kiềm chế lạm phát khi làm làm tăng chi phí vay mượn cũng như tăng sức hấp dẫn của tiền gửi ngân hàng.
Nhà kinh tế trưởng Artem Zaigrin của Sova Capital cho biết Ngân hàng trung ương Nga có thể đưa lãi suất chủ chốt lên 25-30% trong tháng 4 đến tháng 6 nếu rủi ro tiếp tục xảy ra. Trong khi, các nhà phân tích của VTB Capital dự báo lãi suất sẽ không thay đổi cho đến giữa năm 2022, sau đó sẽ hạ xuống 16% vào cuối năm.
Ngân hàng Gazprombank cho biết đợt giảm lãi suất đầu tiên có thể diễn ra vào nửa cuối năm 2022.