Động thái này xuất hiện không lâu sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng ông không còn mặn mà với việc gia nhập NATO.
Trong cuộc họp báo đề cập tới kết quả vòng đàm phán thứ 3 giữa Nga và Ukraine, bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, cho biết hai bên đã đạt được những bước tiến nhưng không nói cụ thể. Bà Zakharova cũng nói rằng lần đối thoại tiếp theo sẽ tập trung vào các hành lang nhân đạo cho thường dân rời khỏi vùng chiến sự khi cáo buộc giới chức Ukraine ngăn cản nỗ lực sơ tán.
Bà Zakharova cũng nhấn mạnh rằng: "Mục tiêu của quân đội Nga không phải chiếm đóng hay lật đổ chính quyền Kiev". Bà cũng nói rằng quân đội Nga không nhắm vào các cộng đồng dân cư.
Hôm nay, Nga và Ukraine cũng đã công bố lệnh ngừng bắn kéo dài từ 9-21h theo giờ địa phương (tức 12h ngày 9/2 tới 2h ngày 10/3 theo giờ Hà Nội).
Tuyên bố của bà Zakharova rất gây sự chú ý khi nó được đưa ra chỉ khoảng 1 ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng ông không còn "mặn mà" với việc gia nhập NATO sau khi Kiev nhận ra liên minh này không sẵn sàng kết nạp Ukraine. Vị tổng thống của Ukraine cũng nhấn mạnh sẵn sàng thỏa hiệp về số phận 2 vùng lãnh thổ vừa được Nga công nhận độc lập ở vùng Donbass.
Bình luận về sự sẵn sàng của Tổng thống Ukraine Zelensky trong việc thảo luận về Crimea và các hai nhà nước cộng hòa vừa được Nga công nhận ở vùng Donbass, miền đông Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh bán đảo Crimea cần được công nhận là lãnh thổ của Nga trong khi hai nhà nước này cũng phải được công nhận độc lập và chủ quyền.
"Crimea là một khu vực của Nga và điều này cần phải được công nhận cả trên luật định và cả trên thực tế", ông Peskov nói.
Ngoài ra, người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhấn mạnh các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk cần phải được công nhận là các quốc gia độc lập và có chủ quyền. Nga đã công nhận và ông Peskov nhấn mạnh thế giới cũng cần công nhận cả trên thực tế lẫn trong các quy định pháp luật.
Ở một diễn biến khác, các nước châu Âu đang nỗ lực chuẩn bị tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Theo đó, Pháp cho biết họ sẽ chuẩn bị 10.000 chỗ ở cho người Ukraine đầu tiên tới Pháp. Hội đồng quốc phòng Pháp cũng đã kích hoạt một đơn vị liên bộ để chuẩn bị điều phối việc tiếp nhận người dân lánh nạn của Ukraine.
Một ngày trước, ông Marlene Schiappa, Bộ trưởng phụ trách quốc tịch của Pháp, cho biết 5.000 người Ukraine đã đến Pháp. Một trang web đã được thiết lập để những người Pháp có thể tình nguyện đón tiếp những người Ukraine chạy trốn xung đột.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hội chữ thập đỏ nước này sẽ hỗ trợ 5 triệu tệ, tương đương 791.000 USD cho Ukraine để thực hiện các mục đích nhân đạo đồng thời nhấn mạnh đợt viện trợ đầu tiên đã rời Bắc Kinh hôm hôm 9/3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết viện trợ của nước này bao gồm thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày theo yêu cầu của Ukraine và sẽ được chuyển tới Hội Chữ thập đỏ Ukraine trong thời gian "sớm nhất có thể".