Theo một báo cáo mới công bố của chính phủ, Nga có trữ lượng dầu mỏ đủ dùng trong nhiều thập kỷ, đủ khí đốt tự nhiên để sử dụng trong một thế kỷ và đủ than để dùng trong 500 năm ở mức sản xuất hiện tại.
"Chiến lược năng lượng của Nga đến năm 2050" - một tài liệu phác thảo tầm nhìn của nước Nga đối với lĩnh vực năng lượng và phản ứng trước những thách thức toàn cầu - đã được Thủ tướng Mikhail Mishustin phê duyệt vào ngày 14/4.
Theo báo cáo, với trữ lượng lớn nhất thế giới , Nga đang có vị thế tốt để cung cấp các nguồn năng lượng truyền thống cho thị trường toàn cầu và duy trì vai trò là nhà sản xuất chính.
Nước này nắm giữ hơn 31 tỷ tấn trữ lượng dầu đã được chứng minh, đủ cho hơn 65 năm sản xuất theo tỷ lệ hiện tại. Nước này đứng thứ ba toàn cầu về trữ lượng dầu và thứ hai về sản lượng, chiếm 10% nguồn cung của thế giới , báo cáo cho biết thêm. Nga cũng có nguồn tài nguyên chưa khai thác đáng kể để duy trì sản lượng dầu và ngưng tụ ở mức không dưới 540 triệu tấn một năm và xây dựng công suất dự phòng để phản ứng linh hoạt với sự thay đổi trong nhu cầu toàn cầu.
Về khí đốt tự nhiên, Nga dẫn đầu thế giới với 63,4 nghìn tỷ mét khối dự trữ và là nhà sản xuất lớn thứ hai, đóng góp 16% sản lượng toàn cầu. Báo cáo lưu ý rằng dự trữ hiện tại sẽ đủ để sản xuất trong 100 năm.
10 quốc gia hàng đầu theo giá trị của tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên (Nguồn: Visual Capitalist)
Tài nguyên than của quốc gia này ước tính ở mức 272,7 tỷ tấn, đủ để sử dụng trong hơn 500 năm. Nga đứng thứ 5 về trữ lượng than toàn cầu và thứ 6 về sản lượng.
Nga cũng là một nước lớn trong lĩnh vực uranium, nắm giữ 705.000 tấn - trữ lượng lớn thứ tư trên toàn thế giới - và chiếm 5% sản lượng toàn cầu. Trữ lượng đảm bảo hoạt động ổn định của ngành năng lượng hạt nhân của đất nước.
Báo cáo cũng cho biết nhu cầu ngày càng tăng đối với lithium, niken, đất hiếm, nhôm và các kim loại khác sẽ mở ra "cơ hội mới" cho sự phát triển hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản của Nga.
Chiến lược năng lượng đã vạch ra các bước để đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện để chuyển hướng xuất khẩu dầu, khí đốt và sản phẩm tinh chế sang các thị trường "thân thiện" mới. Các kế hoạch bao gồm mở rộng năng lực trung chuyển tại các cảng Bắc Cực và Viễn Đông thông qua Tuyến đường biển phía Bắc.
Tài liệu này cũng xem xét các kịch bản căng thẳng, bao gồm sự chuyển dịch nhanh hơn sang năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2050, nhưng cho biết rủi ro là thấp vì nó đòi hỏi phải giảm 20% mức sử dụng năng lượng và tăng gấp ba lần mức đầu tư vào các giải pháp thay thế, gây gánh nặng lớn cho người tiêu dùng và nền kinh tế thế giới .
Báo cáo nhấn mạnh rằng nhiên liệu hóa thạch dự kiến vẫn là xương sống của nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu ít nhất là đến năm 2050. Khí thiên nhiên hóa lỏng dự kiến sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thương mại toàn cầu do tính linh hoạt trong hậu cần, làm gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường.