Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan , trong tháng 2/2024 nước ta đã nhập khẩu 503.681 tấn lúa mì, tương đương 133,97 triệu USD, giảm 5,9% về lượng và giảm 14,3% về trị giá so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu hơn 1,04 triệu tấn, tương đương hơn 290 triệu USD, tăng mạnh 67,4% về lượng và tăng 26,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 2, giá nhập khẩu đạt bình quân 266 USD/tấn, giảm gần 30% so với tháng trước.
Xét về thị trường, Brazil, Úc và Ukraine lần lượt là 3 nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm. Đối với nhà cung cấp lớn nhất là Brazil, nước ta nhập đạt 408.351 tấn, tương đương 103,82 triệu USD, tăng mạnh 91,8% về lượng và tăng 32% về kim ngạch so với cùng kỳ. Giá trung bình đạt 254 USD/tấn, giảm 31%.
Thị trường Úc đứng thứ 2 với 231.698 tấn, tương đương 74,22 triệu USD, giảm 31% về lượng và giảm 39% về kim ngạch so với 2T/2023. Giá nhập khẩu đạt 320 USD/tấn, giảm 11%.
Ukraine đứng thứ 3 với 144.689 tấn, tương đương 37,94 triệu USD, giá 262,2 USD/tấn.
Đáng chú ý, Nga đang đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Việt Nam kể từ cuối năm 2023 đến nay. Trong tháng 2, Nga xuất sang Việt Nam 37.412 tấn lúa mì với kim ngạch hơn 9,5 triệu USD, tăng 121% về lượng lẫn kim ngạch so với tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm tổng kim ngạch đạt 54.312 tấn với trị giá hơn 13,9 triệu USD, trong khi cùng kỳ không ghi nhận sản lượng nhập khẩu từ thị trường này.
Giá nhập khẩu đạt bình quân 256 USD/tấm, mức giá cực hấp dẫn so với đối thủ lúa mì của thế giới là Úc hay Ukraine.
Trước đó kết thúc tháng 12/2023, Nga xuất sang Việt Nam 210.391 tấn lúa mì, thu về hơn 55,8 triệu USD, tăng 198% về lượng và tăng 127% về trị giá so với năm 2022.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Nga là nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu trong vụ mùa 2022-2023 với 46 triệu tấn và có thể chiếm 1/4 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu năm 2023. Bên cạnh Nga, Mỹ, Australia và Pháp cũng nằm trong số các nhà sản xuất lúa mì lớn của thế giới. Bên cạnh các ông lớn này, các thị trường lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam còn bao gồm Brazil, Úc, Canada,...
Trong 2 năm qua, Nga may mắn có được thời tiết vô cùng thuận lợi cho nông nghiệp, nhất là diện tích trồng lúa mì lớn chưa từng có. Nguồn cung dồi dào đã giúp giá lúa mì của Nga được bán ra thế giới với giá rẻ hơn hẳn so với thị trường, làm đảo ngược sự leo thang giá ngũ cốc vào giai đoạn trước mùa xuân năm 2022.
Tuy nhiên thuận lợi của Nga lại là khủng hoảng đối với nông dân ở các nước châu Âu như Ba Lan. Loạt thương nhân và nhà phân tích cho biết các nhà xuất khẩu lúa mì của Liên minh châu Âu phải đối mặt với vụ mùa kết thúc chậm chạp, đông đúc do xuất khẩu kỷ lục của Nga khiến lúa mì châu Âu phụ thuộc vào doanh số bán sang Maroc và Trung Quốc.
Ủy ban châu Âu dự báo xuất khẩu lúa mì thông thường của EU trong niên vụ 2023/24 sẽ giảm 5% so với cùng kỳ xuống còn 31 triệu tấn, mặc dù nguồn cung trong mùa này cao hơn.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), bao gồm các quốc gia sản xuất và nhập khẩu lúa mì lớn, dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong vụ mùa 2023-2024 đạt 784 triệu tấn, giảm 2,4% so với vụ mùa trước đó.