Theo Reuters, nhiều người đang lo ngại sự kết hợp giữa mất mùa ở Nga và dỡ bỏ thuế nhập khẩu sắp xảy ra của Ấn Độ trong mùa vụ hiện nay có thể đủ để làm giảm nguồn cung và làm tăng giá lúa mì toàn cầu.
Ngày 28/5, công ty tư vấn Sovecon của Nga đã giảm ước tính thu hoạch niên vụ 2024-2025 của nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu xuống còn 82,1 triệu tấn từ mức 85,7 triệu tấn trước đó.
Hồi tháng 3, các nhà phân tích đã dự báo sản lượng lúa mì năm 2024-2025 của Nga lên tới 93 triệu đến 94 triệu tấn, nghĩa là vụ mùa này đã mất khoảng 12 triệu tấn hay 13% tiềm năng sản xuất cho đến nay. Điều đó phần lớn là do thời tiết mùa xuân cực kỳ khô và gần đây nhất là do sương giá.
Trong khi đó, nước tiêu thụ lúa mì lớn thứ hai là Ấn Độ phát tín hiệu có thể dỡ bỏ thuế nhập khẩu lúa mì sau tháng 6 do dự trữ quốc gia thấp, có khả năng đẩy mạnh việc nhập khẩu trong năm nay từ 3 triệu đến 5 triệu tấn so với mức chỉ 120.000 tấn một năm trước đó.
Sự thiếu hụt của Nga và tiềm năng nhập khẩu của Ấn Độ đã khiến nguồn cung lúa mì toàn cầu giảm tới 17 triệu tấn so với dự kiến ban đầu. Để tham khảo, con số này tương đương khoảng 8% dự báo xuất khẩu lúa mì thế giới năm 2024-2025 của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
USDA xác định Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất trong năm 2024-2025 với 12 triệu tấn và Ấn Độ nhập khẩu 5 triệu tấn sẽ trở thành nhà nhập khẩu số 12, tương tự như lượng hàng của Nhật Bản hoặc Nigeria.
Khối lượng nhập khẩu lúa mì đáng kể gần đây nhất của Ấn Độ, 6 triệu tấn, là vào năm 2016-2017, việc chuyển đổi bất chợt thành nhà xuất khẩu khiến nước này là nhân tố biến động đối với thương mại lúa mì toàn cầu. Trong năm 2021-2022, Ấn Độ đã xuất khẩu kỷ lục 8 triệu tấn do cả nguồn cung trong nước và giá lúa mì toàn cầu đều cao.
Triển vọng ban đầu của USDA cho giai đoạn 2024-2025 được công bố vào đầu tháng này ngụ ý rằng lượng lúa mì dự trữ để sử dụng trên toàn cầu của các nhà xuất khẩu lớn sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 17 năm là 13,5% từ mức 14,7% trong năm tiếp thị trước đó.
Thông thường, sự tăng hoặc giảm đáng chú ý hàng năm về lượng dự trữ để sử dụng của nhà xuất khẩu diễn ra sau biến động tăng hoặc giảm lớn sản lượng lúa mì trong mùa trước. Ví dụ, sản lượng lúa mì của các nhà xuất khẩu hàng đầu giảm 7% trong năm 2018-2019, nhưng lượng dự trữ để sử dụng lại giảm mạnh hơn vào năm 2019-2020.
Điều này hỗ trợ cho sự sụt giảm đáng kể về lượng dự trữ để sử dụng trong niên vụ 2024-2025 do sản lượng của nhà xuất khẩu giảm hơn 3% trong năm 2023-2024, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2018-2019. Nhưng điều này cũng phụ thuộc vào các yếu tố khác bao gồm sản lượng toàn cầu và thương mại ngô, đôi khi cạnh tranh với lúa mì .
Tại thị trường Việt Nam, nước ta gần như không trồng được lúa mì , bởi vậy mỗi năm nước ta chi hàng tỷ USD để nhập khẩu. Đặc biệt từ đầu năm, Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng nông sản này.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2024 lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt gần 2,3 triệu tấn, tương đương gần 638,37 triệu USD, tăng 38,9% về khối lượng, tăng 5,6% về kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2023, giá trung bình đạt 277,8 USD/tấn, giảm 23,9%.
3 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Brazil, Úc và Ukraine. Trong đó, sản lượng nhập khẩu từ Brazil và Ukraine chứng kiến mức tăng trưởng mạnh lần lượt là 262% và 872%.