Dịch Covid-19 đẩy ngành hàng không vào khủng hoảng, khiến Boeing và Airbus lao đao. Giờ hai nhà sản xuất máy bay khổng lồ càng thêm điêu đứng vì giá dầu sụt giảm.
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) là mối đe dọa lớn đối với ngành hàng không và nền kinh tế toàn cầu. Theo CNBC, cuộc chiến dầu mỏ và giá dầu sụp đổ giáng thêm tai họa cho các hãng sản xuất máy bay như Boeing và Airbus.
Hai gã khổng lồ thống trị thị trường sản xuất máy bay toàn cầu đã dành hơn 10 năm để phát triển những chiếc máy bay có thể tiết kiệm hàng triệu USD nhiên liệu.
“Thứ giữ cho ngành công nghiệp sản xuất máy bay luôn ổn định trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là giá nhiên liệu tăng kỷ lục”, CNBC dẫn lời chuyên gia Richard Aboulafia tại Teal Group nhận định.
Giá dầu tăng cao giúp doanh số máy bay tiết kiệm nhiên liệu tăng theo. Airbus A320neo và Boeing 737 Max, hai dòng máy bay thân hẹp bán chạy nhất của hai hãng, được phát triển sau cuộc Đại suy thoái.
Giá nhiên liệu tăng cao buộc các hãng hàng không ưu tiên những mẫu máy bay giúp cắt giảm chi phí nhiên liệu. Cả hai công ty đã nhận được đơn đặt hàng mua hàng nghìn máy bay A320neo và 737 Max trong nhiều năm.
Các hãng hàng không hiện tập trung cắt giảm số chuyến bay vì nhu cầu sụt giảm. Ảnh: CNBC. |
Giờ, hai ông trùm sản xuất máy bay đã mất đi lợi thế đó. Aboulafia ước tính các nhà sản xuất máy bay lớn như Airbus và Boeing sẽ nhận 1.000 yêu cầu hủy đơn hàng trong năm nay, mức giảm kỷ lục so với con số 681 hồi năm ngoái.
Số yêu cầu hủy đơn đặt hàng của Boeing đang ngày càng tăng cao khi hãng này vẫn chật vật với bê bối chất lượng của máy bay 373 MAX. Hồi đầu tháng, Airbus cũng cho biết sẽ cắt giảm 1/3 sản lượng sản xuất để “thích nghi với môi trường mới thời dịch virus corona”.
Khi đại dịch khiến nhu cầu đi lại sụt giảm, nhu cầu nhiêu liệu máy bay giảm nhanh hơn so với các sản phẩm làm từ dầu khác. Nhu cầu nhiên liệu máy bay được dự đoán lao dốc 47% trên toàn cầu so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của S&P Global Platts.
Giá nhiên liệu máy bay ở Mỹ đã giảm 65% kể từ đầu năm. “Vấn đề hiện tại là cuộc khủng hoảng tàn phá tất cả quốc gia cùng một lúc”, CNBC dẫn lời chuyên gia Lesio Galimberti tại S&P Global Platts bình luận.
Các hãng hàng không hiện tập trung cắt giảm chuyến bay. Hàng trăm máy bay không được hoạt động, hàng loạt đơn đặt hàng mới bị hủy. Tính đến ngày 15/4, các hãng hàng không Mỹ đã dừng hoạt động hơn 2.700 máy bay, tức 44% tổng số máy bay, theo Tổ chức Hàng không Mỹ.
(Theo Zing)