Patrick Paumen là một nhân viên bảo vệ 37 tuổi, ông thường gây xôn xao mỗi khi đi mua hàng vì cách thức thanh toán đặc biệt của mình. Không cần thẻ hay điện thoại, thay vào đó, ông chỉ cần đặt tay trái của mình gần đầu đọc thẻ không tiếp xúc và quá trình thanh toán sẽ được thực hiện.
Được biết, người đàn ông đến từ Hà Lan này có thể thanh toán bằng tay của mình vì vào năm 2019, ông đã phẫu thuật đưa một vi mạch thanh toán không tiếp xúc vào bên dưới da. Ông Paumen cho biết: "Quy trình này chỉ đau như bị véo vào da thôi".
Ông Paumen tự mô tả mình là một "kẻ bẻ khóa sinh học" khi đưa công nghệ vào cơ thể để cố gắng cải thiện hiệu suất của mình. Hiện cơ thể ông có tổng cộng 32 thiết bị cấy ghép, bao gồm chip để mở cửa và nam châm.
"Công nghệ không ngừng phát triển, vì vậy tôi phải tiếp tục thu thập nhiều hơn", ông cho biết. "Các bộ phận cấy ghép giúp nâng cấp cơ thể của tôi. Tôi sẽ không muốn sống nữa nếu thiếu chúng. Nhưng có những người không muốn sửa đổi cơ thể của họ, chúng ta nên tôn trọng điều đó và họ cũng nên tôn trọng những người như tôi".
Ông Paumen còn cấy nam châm vào ngón tay
Lần đầu tiên một vi mạch được cấy vào lưng người là vào năm 1998, nhưng cho tới thập kỷ qua công nghệ này mới có mặt trên thị trường. Và khi nói đến cấy ghép chip thanh toán, Walletmor của Anh-Ba Lan tuyên bố họ là một trong những công ty đầu tiên trên thị trường cung cấp dịch vụ này.
Người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Wojtek Paprota cho biết: "Khách hàng có thể sử dụng chip này để thanh toán cho một ly rượu trên bãi biển ở Rio, một buổi cà phê ở New York, cắt tóc ở Paris, hoặc thậm chí là tại cửa hàng tạp hóa địa phương. Con chip có thể phát huy tác dụng ở bất kỳ nơi nào chấp nhận thanh toán không tiếp xúc".
Ông Paumen có một con chip dưới da tay trái và nó sáng lên khi tiếp xúc gần với máy thanh toán
Con chip của Walletmor nặng chưa đầy một gram với kích thước chỉ lớn hơn một hạt gạo. Cấu trúc của sản phẩm bao gồm một vi mạch nhỏ và một ăng-ten được bọc trong một chất tạo màng sinh học, đây là một vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, tương tự như nhựa.
Ông Paprota cho biết thêm rằng việc cấy chip hoàn toàn an toàn, có sự chấp thuận của cơ quan quản lý, con chip sẽ hoạt động ngay sau khi được cấy ghép và luôn ở đúng vị trí. Nó cũng không yêu cầu pin hoặc nguồn điện khác. Công ty cho biết hiện đã bán được hơn 500 sản phẩm.
Công nghệ mà Walletmor sử dụng là kết nối trường gần (NFC), là một giao thức kết nối giữa hai thiết bị điện tử ở khoảng cách gần. Trong khi đó, các phương pháp cấy ghép thanh toán khác dựa trên nhận dạng tần số vô tuyến (RFID), đây là công nghệ tương tự thường thấy trong thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ không tiếp xúc vật lý.
Ảnh chụp X-quang cho thấy mô cấy của Walletmor trong tay một người sau khi gây tê cục bộ
Có thể đối với nhiều người, ý tưởng cấy một con chip vào cơ thể là một điều kinh hoàng. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát năm 2021 với hơn 4.000 người trên khắp Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu cho kết quả 51% những người được hỏi sẽ cân nhắc việc này.
Tuy nhiên, trong số đó cũng có nhiều người lo ngại con chip sẽ gây ra các vấn đề về an ninh, nhưng ông Paumen khẳng định mình không hề lo lắng về việc này. Ông nói: "Con chip mang cùng một loại công nghệ mà mọi người vẫn sử dụng hàng ngày như những chiếc chìa khóa, thẻ phương tiện công cộng hoặc thẻ ngân hàng có chức năng thanh toán không tiếp xúc".
Ông cho biết: "Chip RFID được sử dụng trong vật nuôi để nhận diện khi chúng bị lạc. Nhưng không thể xác định vị trí của chúng bằng cách sử dụng thiết bị cấy chip RFID, vật nuôi bị mất tích cần được tìm thấy về mặt vật lý. Sau đó, toàn bộ cơ thể sẽ được quét cho đến khi tìm thấy và đọc được thiết bị cấy chip RFID".
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh là liệu trong tương lai những con chip có trở nên tiên tiến hơn bao giờ hết trong khi chứa đầy dữ liệu cá nhân của mọi người hay không. Bên cạnh đó, liệu thông tin này có thể bị theo dõi hay không.
Chuyên gia công nghệ tài chính Theodora Lau nói rằng các chip thanh toán được cấy ghép chỉ là "một phần mở rộng của internet vạn vật", là một cách mới để kết nối và trao đổi dữ liệu. Tuy nhiên, trong khi nhiều người cởi mở với ý tưởng này vì thanh toán mọi thứ nhanh và dễ dàng hơn, thì lợi ích luôn đi kèm với rủi ro. Đặc biệt là khi các con chip mang quá nhiều thông tin cá nhân của người dùng.
Chuyên gia công nghệ tài chính Theodora Lau
Nada Kakabadse, giáo sư về chính sách, quản trị và đạo đức tại Trường Kinh doanh Henley của Đại học Reading, cũng cảnh báo nên thận trọng về tương lai của các con chip tiên tiến. Bà cảnh báo: "Mặt tối của công nghệ có khả năng bị lạm dụng".
Tuy vậy, Steven Northam, giảng viên cao cấp về đổi mới và khởi nghiệp tại Đại học Winchester, nói rằng những lo ngại đó là không chính đáng. Ngoài công việc dạy học, ông còn là người sáng lập công ty BioTeq của Anh, công ty này đã sản xuất chip cấy ghép không tiếp xúc từ năm 2017.
Việc cấy ghép chip nhằm giúp những người khuyết tật có thể thuận tiện hơn trong việc tự động mở cửa. Ông lập luận: "Chúng tôi thường giải đáp thắc mắc của khách hàng hàng ngày và đã thực hiện hơn 500 ca cấy ghép ở Anh, nhưng Covid-19 đã làm giảm số lượng này. Công nghệ này đã được sử dụng trên động vật trong nhiều năm. Những con chip là vật thể rất nhỏ và an tĩnh, không có rủi ro".