Vài năm gần đây, bên cạnh thú chơi hoa mai, đào, quất… truyền thống, nhiều người còn yêu thích và chọn mua những loại cây ăn quả như bưởi để chơi Tết. Nắm bắt được xu thế này, nhiều chủ vườn đã nghiên cứu và lai tạo thành công những cây bưởi có dáng đẹp, sai quả. Thậm chí có những cây bưởi có tới 300 quả và giá lên tới cả trăm triệu đồng.
Vườn bưởi nhà anh Hoàng Văn Mến (ở huyện Văn Giang, Hưng Yên) có khoảng 60 gốc bưởi. 1/5 trong số này được đã được khách đặt mua mặc dù chưa tới tháng Chạp âm lịch.
Trong đó, mỗi cây có từ 100 – 200 quả bưởi, cá biệt có cây lên tới 300 quả được chủ vườn ghép từ giống bưởi Diễn nổi tiếng của Hà Nội.
Theo anh Mến, cây bưởi sai quả nhất trong vườn nhà anh là cây 47 năm tuổi, cây này có tới 300 quả. Đây cũng là cây thuộc hàng bưởi gốc Diễn cổ thụ.
Trong tổng số 300 quả trên cây, có khoảng 20% số quả là ra hoa kết trái tự nhiên, còn lại do kỹ thuật cấy ghép.
Công đoạn ghép quả diễn ra khá kỳ công và tỉ mỉ. Thông thường vào đầu tháng Giêng, khi tiết trời mát mẻ, các chủ vườn mới bắt đầu ghép quả.
Theo anh Mến, nghề trồng bưởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu gặp mưa, sương muối, thời tiết khắc nghiệt thì rất dễ mất mùa. Để thành công, chủ vườn phải nắm rất chắc kỹ thuật chăm sóc và theo dõi thời tiết hằng ngày,
Bưởi Diễn là loại cây dễ thích nghi và chăm sóc, cây có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Trên thân cây có thể ghép nhiều quả, vì vậy cây bưởi bình thường ra trái chỉ đạt 30-50 quả, còn cây cấy ghép thì có thể lên đến vài trăm quả.
Đặc biệt, những cây bưởi vừa có hoa lại vừa có quả được khách rất ưa thích.
Để có những cây bưởi đẹp, mỗi năm nhà anh Mến phải trực tiếp thu mua các gốc bưởi có tuổi đời từ 5 năm cho đến vài chục năm tuổi. Sau đó mang về chăm sóc, tạo thế, ghép quả.
Cũng theo anh Mến, việc lai ghép quả lên cây bưởi được trồng trong chậu cảnh không hề đơn giản, đặc biệt với số lượng ghép nhiều thì tỉ lệ đất trong chậu, tưới nước, bón phân theo từng thời kỳ đều phải tuân thủ quy trình khoa học chặt chẽ mới đảm bảo được quả chín vàng mọng từ gốc lên đến ngọn cây.