Tính tới cuối ngày 20/4, đã có 8 ngân hàng thương mại (NHTM) công bố báo cáo tài chính quý I/2020.
Sacombank "rớt" Top ngân hàng nghìn tỷ quý I, lợi nhuận trước thuế của Bac A Bank thấp nhất trong 6 quý
Trong đó, 4 trong 8 ngân hàng "đi lùi" về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2019 bao gồm Saigonbank (-31%), Bac A Bank (-27%); Kienlongbank (-23%) và Sacombank của ông Dương Công Minh với mức giảm khiêm tốn hơn chỉ 7% so với cùng kỳ.
2 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế gấp đôi so với cùng kỳ là Vietbank và Seabank với lợi nhuận trước thuế lần lượt là 230 tỷ đồng và 308,7 tỷ đồng.
Ngân hàng/Chỉ tiêu | Lợi nhuận trước thuế quý I (tỷ đồng) | Tăng trưởng so với cùng kỳ (%) | Tăng trưởng so với cùng kỳ (lần) |
---|---|---|---|
1. Vietbank | 230 | 2,3 | |
2. Kienlongbank | 57 | (23) | |
3. VIB | 1.075 | 33 | |
4. Sacombank | 988 | (7) | |
5. Saigonbank | 48,3 | (31) | |
6. Bac A Bank | 179 | (27) | |
7. TPBank | 1.009 | 18 | |
8. Seabank | 308,7 | 2,1 |
Xét về giá trị tuyệt đối, dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế trong 8 ngân hàng đã công bố lợi nhuận tính tới thời điểm này là VIB với 1.075 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ. Đứng vị trí tiếp theo là TPbank với 1.009 tỷ đồng, tăng 18%.
Sacombank của ông Dương Công Minh đã "rớt" khỏi Top ngân hàng có lợi nhuận nghìn tỷ khi sụt giảm 7% trong quý này, xuống còn 988 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
VIB và Saigonbank giấu nợ xấu?
Báo cáo tài chính của các ngân hàng này cũng cho thấy, các ngân hàng đang "ngấm đòn" Covid-19 khi con số nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng trong quý vừa qua.
Đơn cử như tại Kienlongbank, tại thời điểm 31/3/2020, KienlongBank có 33.830 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng 350 tỷ đồng, tương đương 1,05% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, nợ xấu tăng mạnh hơn rất nhiều lần so với tăng trưởng tín dụng.
Tổng nợ xấu tại KienlongBank đạt 2.241 tỷ đồng, chiếm 6,62% tổng dư nợ tín dụng. Các con số này hồi cuối năm 2019 lần lượt là 342 tỷ đồng, chiếm 1,02% tổng dư nợ tín dụng. Như vậy, sao 1 quý, nợ xấu tại KienlongBank tăng 1.899 tỷ đồng, tương đương 5,55 lần.
Cần nhấn mạnh, nợ có khả năng mất vốn lên tới 2.127 tỷ đồng, chiếm 6,29% tổng dư nợ tín dụng và tăng gấp 8 lần so với thời điểm cuối năm 2019.
KienlongBank cho biết trong số dư nợ có khả năng mất vốn tại ngày 31/3/2020 bao gồm gần 1,9 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5.
Tại Sacombank, cuối tháng 3, tổng tài sản của Sacombank đạt 459.076 tỷ đồng, tăng 1,21% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,47% đạt 306.299 tỷ đồng, huy động tiền gửi khách hàng tăng 1,21% đạt 405.709 tỷ.
Nợ xấu nội bảng của ngân hàng ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Tại Seabank, nợ xấu nội bảng tại ngày 31/3/2020 của Seabank là 2.271 tỷ đồng, giảm hơn 8 tỷ so với đầu năm, tương đương giảm 0,4%. Trong khi đó, dư nợ cho vay lại giảm mạnh hơn (giảm 1,5%). Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 2,31% lên 2,34%.
Hay như tại Bac A Bank, kết thúc quý I/2020, tổng nợ xấu của Bac A Bank tăng 16% so với đầu năm, lên mức gần 580 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 85%, chiếm gần 33 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 27%, chiếm hơn 276 tỷ đồng. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của Bac A Bank tăng từ 0,69% lên mức 0,79%.
Tương tự, tại thời điểm 31/3/2020, tổng nợ xấu tại VietBank là 572 tỷ đồng, chiếm 1,36%. Những con số này thời điểm đầu kỳ là 539 tỷ đồng, chiếm 1,32%.
Có thể thấy nợ xấu tại VietBank tăng nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức khá thấp so với toàn hệ thống. Tốc độ tăng trưởng nợ xấu thấp hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng. Cuối quý I, chỉ tiêu cho vay khách hàng đạt 42.083 tỷ đồng, tăng 1.164 tỷ đồng, tương đương 2,84%.
Trong quý I, VietBank trích 29,8 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ so với 23,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh các ngân hàng công bố đầy đủ con số nợ xấu thì VIB và Saigonbank không phân loại nợ theo các nhóm nợ trong báo cáo tài chính vừa công bố.
Không chỉ không thể hiện con số nợ xấu, Saigonbank còn là nhà băng duy nhất tính đến hiện tại tăng trưởng âm cả về huy động và cho vay.
Cụ thể, tính đến 31/3/2019, tổng tài sản của Saigonbank đạt 20.308 tỷ đồng, giảm 2.500 tỷ so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt gần 15.544 tỷ đồng, tăng trưởng âm gần 0,8% trong quý I/2020. Trong khi đó, tăng trưởng cho vay âm 2,3%.
Thu nhập bình quân cao nhất trên 33 triệu đồng/tháng, TPbank tuyển hơn 1.700 nhân viên trong quý
Tại thời điểm 31/3/2020, VIB có 7.160 nhân sự, tăng 216 người so với thời điểm đầu năm. Nghĩa là VIB tuyển dụng ít nhất 216 người trong quý I. Không chỉ mạnh tay tuyển dụng, VIB còn mạnh tay chi lương và phụ cấp.
Trong quý I, VIB đã dành 721 tỷ đồng cho nhân viên, tăng mạnh so với 475 tỷ đồng của quý 1/2019. Như vậy, trung bình, mỗi nhân sự VIB được trả 101 triệu đồng/người/quý, tương đương 33,6 triệu đồng/người/tháng. Với thù lao này, VIB có thể lọt vào Top 3 các ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, trong thông báo chính thức, VIB cho biết thu nhập bình quân/tháng tại VIB "chỉ" là 26,26 triệu đồng, tăng nhẹ so với 25,54 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tuyển dụng tới hơn 1.700 nhân sự trong quý I/2020, song mức thu nhập của nhân viên tại TPbank vẫn duy trì trên 30 triệu đồng/người/tháng ( 31,5 triệu đồng/người/tháng quý I/2020; quý I/2019 bình quân 33,2 triệu đồng/người/tháng).
Trong khi đó, vào cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngành ngân hàng xem xét cắt giảm chi phí hoạt động và lương thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Tại Seabank, tính đến cuối tháng 3/2019, tổng số nhân viên của ngân hàng là 4.069 người. Trong khi đó, chi phí cho lương và phu cấp tăng từ mức 222 tỷ đồng lên 279 tỷ đồng. Lương và thu nhập bình quân của nhân viên Seabank trong quý I/2020 ước đạt 68,7 triệu đồng/người, tương ứng gần 23 triệu đồng/tháng.
Nằm trong Top nhà băng trả lương dưới 20 triệu đồng/tháng, tại thời điểm cuối quý I, KienlongBank có 3.226 người. Trong kỳ, KienlongBank đã dành 125,4 tỷ đồng cho chi lương và phụ cấp là, tăng nhẹ so với 107,5 tỷ đồng của quý I/2019. Như vậy, trung bình, mỗi người lao động 125,4 tỷ đồng được trả 38,9 triệu đồng/người/quý, tương đương 13 triệu đồng/người/tháng.
Còn theo thông báo của 125,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân/tháng của nhân viên trong kỳ đạt 14 triệu đồng, tăng nhẹ so với 13,7 tỷ đồng của kỳ trước.
VietBank cũng không nằm trong Top các ngân hàng trả lương cao của hệ thống. Tại thời điểm cuối quý I, ngân hàng mẹ có 2.328 người, tăng 43 người so với hồi đầu năm. Trong kỳ, chi lương và phụ cấp của ngân hàng là 109,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 92 tỷ đồng kỳ trước. Trung bình, mỗi người lao động VietBank được trả 47 triệu đồng/người/quý, tương đương 15,7 triệu đồng/người/tháng.
Chế độ tương tự cũng được áp dụng trong các công ty con. Trong kỳ, cả hệ thống VietBank có thêm 43 người, nâng tổng nhân sự trong toàn hệ thống lên 2.343 người. Với quỹ lương 111 tỷ đồng, mỗi người lao động VietBank (bao gồm ngân hàng và công ty con) được trả 47,4 triệu đồng/người/quý, tương đương 15,8 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, tổng số cán bộ công nhân viên của Bac A Bank (bao gồm cả các công ty con) vào ngày 31/3/2020 là 2.213 người, trong khi đó cuối năm 2019 là 2.195 người.
Chi lương và phụ cấp trong kỳ gần 93 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân ước khoảng 14 triệu đồng/người/tháng.
Ngân hàng duy nhất tới thời điểm hiện tại cắt giảm nhân sự trong 3 tháng đầu năm. Cụ thể, tại ngày 31/3/2020, Sacombank có 18.947 nhân viên, giảm 290 nhân viên so với cuối năm 2019.
Số lượng nhân viên giảm song khoản mục chi cho nhân viên tại nhà băng này tăng 10% lên 1.279 tỷ so với cùng kỳ. Trong khoản mục này, chi lương và phụ cấp tăng từ 1.040 tỷ lên 1.156,3 tỷ đồng. Như vậy, chi lương và phụ cấp bình quân của mỗi nhân viên Sacombank ước khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, khoản thu nhập bình quân này của nhân viên Sacombank đã tăng thêm gần 2 triệu đồng/người/tháng.