Ngày 21/12/2022, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã chạy thử đoạn trên cao từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thái dài gần 9km.
Bên trong đoàn tàu có thể chứa 147 khách ngồi và 783 khách đứng.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh (MAUR), so sánh giữa 2 đợt chạy thử ngày 21/12/2022 và 18/1/2023, đợt chạy thử nghiệm lần này ngoài việc kiểm tra các hệ thống tiếp cung cấp điện, hệ thống đường ray, còn có hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của hệ thống tín hiệu (Signalling) nhằm đánh giá khả năng bảo vệ tàu và hành khách khi có vật cản hoặc sự cố bất ngờ.
Lần chạy thử nghiệm này với hệ thống bảo vệ tàu tự động được đánh giá thành công. Mọi công tác diễn ra suôn sẻ, hệ thống điều khiển trên tàu (Onboard ATP) đã liên kết với hệ thống điều khiển mặt đất (Ground ATP) để bảo vệ tàu và hành khách một cách tự động.
Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2023, MAUR và nhà thầu sẽ tiếp tục phối hợp để chuẩn bị cho công tác chạy thử nghiệm vận hành tàu tự động hoàn toàn (ATO).
Ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đến nay, toàn tuyến dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành khoảng 94% khối lượng công việc. Trong năm 2023, MAUR và các nhà thầu cam kết tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành công tác thi công, chuyển sang giai đoạn đưa vào vận hành khai thác toàn tuyến”.
Báo Tin tức xin giới thiệu đến độc giả một số hình ảnh sau hơn 10 năm thi công:
Tháng 8/2012, dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên chính thức được khởi công xây dựng với tổng chiều dài 19,7 km, gồm 11 nhà ga trên cao và 3 ga ngầm từ depot Long Bình (thành phố Thủ Đức) đến ga Bến Thành. Tổng vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP Hồ Chí Minh.
Ga Tân Cảng thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là nhà ga trên cao có hệ thống mái che diện tích 6.200m2, được thiết kế bằng màng sợi thuỷ tinh phủ nhựa xuất xứ từ Nhật Bản, quy mô lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay, tất cả 11 nhà ga trên cao thuộc gói thầu số 2 đã hoàn thành các hạng mục liên quan đến tầng ke ga và đang phối hợp với nhà thầu Hitachi (nhà thầu gói thầu CP3) lắp đặt các hệ thống tự động cũng như hệ thống an toàn. Dự kiến tháng 3/2023, toàn bộ hạng mục liên quan đến kiến trúc của 11 nhà ga trên cao sẽ được hoàn thành và tiến hành hoàn thiện kiến trúc của Depot Long Bình (thành phố Thủ Đức).
Hệ thống điện toàn tuyến đã hoàn thành.
Từ giữa tháng 5/2022, MAUR hoàn thành công tác nhập khẩu toàn bộ 17 đoàn tàu về depot Long Bình (thành phố Thủ Đức).
Phần kết cấu và kiến trúc nhà ga ngầm Nhà hát Thành phố đã hoàn thành 100%.
Ga Nhà hát Thành phố có 5 lối lên xuống, lối số 5 tại Công viên Lam Sơn trước Nhà hát Thành phố, lối số 4 được nối trực tiếp vào tầng hầm của UnionSquare Tower, 3 lối còn lại nằm giáp mặt đường Pasteur.
Ga Nhà hát Thành phố được thiết kế ngầm dài 190m, rộng 26m, độ sâu khoảng 33m, gồm 4 tầng.
Đường hầm kết nối từ ga ngầm Ba Son đến ga ngầm Nhà hát Thành phố dài 781m, ở độ sâu 17m.
Phần kết cấu và kiến trúc nhà ga ngầm Ba Son đã hoàn thành 100%.
Đường Lê Lợi dài khoảng 800 m, từ đoạn giao với phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành được hoàn trả mặt bằng sau 8 năm rào chắn, không còn cảnh "lô cốt" án ngữ. Đây là một trong những khu vực kinh doanh, buôn bán sầm uất nhất TP Hồ Chí Minh.
Đội ngũ công nhân, kỹ sư thi công, hoàn thiện gắn kính giếng trời lấy sáng (Toplight) cho nhà ga Bến Thành thuộc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Hệ thống kính Toplight được thiết kế với phối cảnh nhìn từ trên xuống có hình hoa sen, được đan xen bởi 2 vật liệu chính là kính và tấm nhôm tổ ong, phần lớn các vật liệu nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản có khả năng chống chịu thời tiết tốt cũng như cách nhiệt vượt trội. Dự kiến công tác lắp đặt kính Toplight sẽ hoàn thành vào đầu năm 2023.