Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng đang chạy đua bán tài sản đảm bảo để giảm tỷ lệ nợ xấu.
Hai ngày trước, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (ViettinBank) thông báo bán loạt tài sản bảo đảm ở nhiều chi nhánh.
Theo đó, VietinBank Bắc Hưng Yên bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng CDC lần 4. Trong đó nợ gốc là 953 triệu đồng, lãi trong hạn là 611 triệu đồng và lãi phạt quá hạn gốc là 197 triệu đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất diện tích 90m2 đất ở tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
Nhiều ngân hàng hiện đang liên tục rao bán bất động sản, ô tô để xử lý nợ xấu. |
Ngoài ra, VietinBank Bắc Hưng Yên thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Vận tải và Thương mại Thành Đạt. Tài sản đấu giá là toàn bộ máy móc, ô tô, nhà và đất tại Văn Lâm, Hưng Yên. Giá khởi điểm là hơn 17,3 tỷ đồng.
VietinBank chi nhánh Thanh Xuân cũng rao bán quyền sử dụng thửa đất với diện tích 74.349,2m2 tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc với mức giá dự kiến là 15 tỷ đồng. Chi nhánh Bắc Kạn của ngân hàng cũng bán quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn với khởi điểm hơn 4,2 tỷ đồng.
Trước đó, chi nhánh Tây Hà Nội cũng rao bán một loạt nợ cá nhân và doanh nghiệp. Các khoản nợ phát sinh giai đoạn 2010 - 2012. Khoản nợ lớn nhất có tổng dư nợ gốc lẫn lãi gần 108,6 tỷ đồng, của Công ty TNHH Kim Anh, tính đến 20/6. Trong đó, dư nợ gốc là 46,8 tỷ đồng và dư nợ lãi là 61,8 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm gồm hai quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Đống Đa, Hà Nội và lô D5 khu đấu giá 18,6 ha, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây cũng thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất và công trình trên đất (tòa nhà Crystal Palace) tại phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM.
Tòa nhà Crystal Palace là một trong những tài sản đảm bảo cho khoản nợ hơn 1.015 tỷ đồng của Tập đoàn Khải Vy tại BIDV. Ngoài công trình này, còn có các tài sản khác như rừng cây trồng tại Đắk Nông, công trình xây dựng trên đất và máy móc thiết bị sản xuất gỗ tại TP Quy Nhơn (Bình Định), cổ phiếu Công ty cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang, ô tô các loại… Giá khởi điểm khoản nợ là gần 932 tỷ đồng.
Đáng nói đây không phải là lần đầu tiên BIDV đấu giá khoản nợ này. Tháng 9/2020, BIDV từng đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace với giá khởi điểm 356 tỷ đồng, nhưng chưa thành công dù giá đã giảm khá nhiều so với giá đã được rao bán trên mạng trước đó là 535 tỷ đồng.
Không chỉ tài sản trên, hàng loạt tài sản thế chấp từ nhà, xe, cổ phiếu khác cũng được Ngân hàng BIDV dồn dập rao bán những ngày gần đây để kéo giảm tỉ lệ nợ xấu.
Nhiều ngân hàng khác cũng liên tục thông báo thanh lý hàng loạt tài sản khủng. Sacombank đang rao bán bất động sản gồm 19 căn hộ tại tại dự án Xi Grand Court với giá khởi điểm 94 tỷ đồng.
Không lâu trước đó, Sacombank và Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn cầu Group rao bán đấu giá khoản nợ của loạt 5 khách hàng gồm Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Bất động sản Quang Vinh, Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Nam Đô Long, bà Liêng Thị Thảo, ông Liêng Thành Liêm, và bà Đàm Kim Phụng.
Những khoản nợ này phát sinh theo hợp đồng tín dụng kiêm hợp đồng thế chấp, cầm cố cổ phiếu bảo đảm tiền vay tại Sacombank phát sinh từ 2013. Tổng nghĩa vụ của các khoản nợ tính đến đầu tháng 4/2021 là hơn 2.400 tỷ đồng, trong đó vốn 930 tỷ đồng còn lại là lãi tồn đọng.
Agribank cũng vừa rao bán hàng loạt tài sản tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), Hạ Long (Quảng Ninh), Quận 1 (TP.HCM)… Trong số này có khoản nợ bằng tài sản đảm bảo của Nông trường Sông Hậu TP Cần Thơ tại Agribank Cần Thơ. Tài sản đảm bảo nợ là hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Giá khởi điểm chưa bao gồm các loại thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác là hơn 185 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong tháng 7, Agribank cũng đấu giá nhiều khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Sài Gòn Hưng Phát, Công ty cổ phần đầu tư Royal Việt Nam tại Agribank Hưng Yên…
Theo các chuyên gia, việc ngân hàng rao bán các khoản nợ khó đòi là cần thiết nhằm đảm bảo đồng vốn hoạt động và giảm tỷ lệ nợ xấu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp rơi vào khó khăn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các ngân hàng phải “liệu cơm găp mắm”, đưa ra mức giá hợp lý.
(Theo VTC News)