Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank - UPCoM: BVB) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020. Cuộc họp dự kiến tổ chức ngày 26/8 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
VietCapital Bank cho biết, ngày 26/6/2020, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, cổ đông ngân hàng đã thông qua phương án phát hành hơn 38 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 12%. Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm hơn 380 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngân hàng cho biết, do tình hình thị trường kinh tế nói chung và thị trường tài chính ngân hàng trong thời gian qua có những biến động, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, BVB đã thực hiện nhiều biện pháp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và NHNN để đồng hành và hỗ trợ khách hàng đối phó với ảnh hưởng của dịch bệnh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới chính sách, chiến lược phát triển dài hạn của ngân hàng trong thời gian tới, đòi hỏi BVB phải có nhiều biện pháp củng cố năng lực tài chính để phát triển ổn định. Do đó, nhu cầu tăng vốn điều lệ tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết và cấp bách, HĐQT chưa thực hiện phương án tăng vốn trên và trình cổ đông phương án khác.
Cụ thể, ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm hơn 906 tỷ đồng trong năm 2020 và quý 1/2021, thông qua 2 giai đoạn
Giai đoạn 1, BVB tăng vốn tối đa 502,3 tỷ đồng, bao gồm: phát hành hơn 35,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 9% theo mệnh giá với tổng giá trị phát hành tối đa 352,3 tỷ đồng; phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP theo mệnh giá với tổng giá trị phát hành tối đa 150 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ dự kiến tăng lên 3.673 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 tăng vốn từ phát hành hơn 40,4 triệu cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ dự kiến 11% với tổng giá trị phát hành hơn 404 tỷ đồng. Theo đó, sau giai đoạn 2, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến đạt hơn 4.077 tỷ đồng.
Với số vốn điều lệ tăng thêm, ngân hàng dự kiến dùng 200 tỷ để đầu tư tài sản cố định phục vụ cho việc mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; 500 tỷ đồng dùng để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để cho vay dài hạn; số còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động trong hoạt động ngân hàng.