Với trường hợp Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank, HoSE: BVB), yếu tố "thông thường" này dường như có chút khác biệt.
Bản Việt cho biết, tại Đại hội đồng cổ đông ngày 29/4/2021 vừa qua, các cổ đông đã thông qua nội dung nằm trong điều lệ Ngân hàng Bản Việt: "tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 5% vốn điều lệ của ngân hàng".
Theo đó, cơ sở để Hội đồng quản trị Ngân hàng Bản Việt đề nghị tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tối đa 5% dựa trên các yếu tố; (i) kể từ thời điểm bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán UpCom đến nay, thanh khoản giao dịch cổ phiếu BVB ở mức khá cao - thuộc top khối lượng giao dịch cao nhất UpCom; (ii) tổng số lượng cổ phần nắm giữ của cổ đông nước ngoài hiện còn khá nhỏ, gần như không có.
"Việc giữ tỷ lệ cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài lớn trong tương lai là quan trọng và vì lợi ích lâu dài của các cổ đông hiện hữu. Do vậy, khi chưa cần thiết, Hội đồng Quản trị BVB thấy nên đề xuất chưa mở room mà chỉ giữ ở mức tối đa 5%", thông báo của ngân hàng nhấn mạnh.
Trước đó, 11/2020, Ngân hàng Bản Việt cũng đã ra văn bản thông báo lấy ý kiến cổ đông về việc Ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong từng thời kỳ tùy vào tình hình biến động của thị trường. Tuy nhiên, nội dung này không thực hiện được thời điểm đó và sau đó, Hội đồng quản trị đã trình trực tiếp tại Đại hội đồng cổ đông 4/2021 vừa qua. Các cổ đông đã thông qua tại Đại hội mức sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 5%, ghi nhận tại nội dung sửa đổi Điều lệ của Ngân hàng."
Trên thị trường, việc các ngân hàng khóa room ngoại để sẵn sàng cho những kế hoạch tương lai vẫn thường xảy ra. Gần nhất trước khi Bản Việt công bố thông tin, VPBank cũng đã công bố khóa room ngoại ở mức 15%, dọn đường để chào đón cổ đông đối tác chiến lược trong kế hoạch phát hành riêng lẻ mà ngân hàng đã thông qua tại đại hội đồng cổ đông.
Đáng chú ý, việc khóa room diễn ra không lâu sau khi VPBank đã ký thỏa thuận với Sumitomo Mitsui (SMFG) để bán 49% vốn FE Credit với giá trị thương vụ gần 1,4 tỷ USD. Giới phân tích đang kỳ vọng việc hợp tác giữa tập đoàn tài chính của Nhật Bản và VPBank sẽ không chỉ dừng lại ở thương vụ này và theo nhiều chuyên gia phân tích, trên cương vị của một ngân hàng nội hấp dẫn vẫn đang "trống" đối tác ngoại chiến lược, VPBank có thể hấp dẫn SMBC - định chế thuộc "mẹ" SMFG để quan tâm hợp tác sâu hơn. Vấn đề của SMBC hiện tại là ngân hàng Nhật này cũng đang đồng thời đối tác cổ đông chiến lược của Eximbank.
Trong một diễn biến xa hơn, HDBank, ngân hàng TMCP hi hữu đã thực thi phát hành trái phiếu quốc tế thành công vào năm trước, loại hình trái phiếu chuyển đổi cho đối tác chiến lược châu Âu là DEG thuộc Ngân hàng Tái thiết KfW của Đức. HDBank đã không quên công bố cố định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở mức 21,5%.
Các trường hợp như VPBank hay HDBank, được giới đầu tư phân tích là quyết định cố định tỷ lệ sở hữu để dọn đường đủ trống, đủ rộng cho khối ngoại tiến vào "hanh thông". Một FOL trống vừa đủ để đi khi có đối tác mới tham gia, thì các ngân hàng vẫn đảm bảo kiểm soát được tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại tổ chức ở mức 30% theo quy định.
Trở lại với trường hợp Bản Việt, việc cố định FOL ở mức rất thấp tức ngân hàng này còn trống tới khoảng 25% room ngoại, theo phân tích, hàm nghĩa có thể diễn ra 2 tình huống: Thứ nhất, Bản Việt đang có kế hoạch tìm kiếm với không chỉ một đối tác chiến lược hay cổ đông lớn để hấp dẫn sự tham gia đủ lớn vào tổ chức. Lưu ý là theo quy định của Luật các TCTD, cổ đông ngoại tổ chức không được nắm quá 15% tại một TCTD và không quá 20% nếu là đối tác chiến lược bao gồm cả người có liên quan. Còn nhà đầu tư nước ngoài cá nhân thì không nắm quá 5% tại một TCTD. Thứ hai, BVB của Bản Việt trên thị trường hiện đang là cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư với tăng trưởng thị giá đã gấp 2 lần tính trong vòng 6 tháng qua. Việc khóa room ngoại cũng là một động thái có ý nghĩa "kích thích" cổ phiếu khi nhà đầu tư theo tâm lý chung, sẽ chờ đợi hành động thực thi kế hoạch tiếp theo của ngân hàng.
Trên thị trường, theo ghi nhận sau 5 năm đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, kết quả kinh doanh của Ngân hàng Bản Việt đang có những tín hiệu khả quan. Giai đoạn tiếp theo, ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng mỗi năm về quy mô tổng tài sản dự kiến 20% đến 30%, tổng huy động vốn trung bình tăng 25%/năm đến 32%/năm, dư nợ tín dụng trung bình tăng 20% mỗi năm (theo sự cho phép của Ngân hàng Nhà Nước), đồng thời đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số để trở thành ngân hàng số có chỉ số sinh lời tốt và là một trong các ngân hàng mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Cũng theo kế hoạch của Bản Việt đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, bên cạnh câu chuyện khóa room ngoại, ngân hàng này còn dự kiến phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ tối đa 1.052 tỉ đồng trong năm 2021 và năm 2022 nhằm gia tăng tiềm lực tài chính và phục vụ cho chiến lược phát triển trung và dài hạn của ngân hàng, đưa vốn điều lệ lên mốc hơn 4.700 tỷ đồng. Ngoài ra, các cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu tổng tài sản đạt 80 ngàn tỉ đồng, tăng 31%; huy động vốn đạt 58.500 tỉ đồng, tăng 25%; dư nợ cấp tín dụng đạt 48 ngàn tỉ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế đạt 290 tỉ đồng, tăng 45%.
Hiện cổ phiếu BVB đang giao dịch trên sàn ở mức 25.700đ/cp, tăng mạnh tới 14,7% trong phiên hôm qua 31/5 và là một trong những cổ phiếu dòng ngân hàng đã thăng hoa nhất ở hạ tuần tháng 5.