Nguồn tin từ Vietcombank cho biết, nếu tính từ đầu năm 2021, tổng lợi nhuận Vietcombank giảm để hỗ trợ cho khách hàng lên đến 7.000 tỷ đồng. Còn hiện tại, các khách hàng ở khu vực 19 tỉnh, thành phía Nam có thể được hưởng mức giảm lãi suất tối đa lên đến 1,5%.
Trước đó, các ngân hàng thương mại cam kết giảm lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng của cả hệ thống để hỗ trợ và chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Chưa hết, 4 ngân hàng có vốn nhà nước: Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank còn giảm thêm mỗi ngân hàng khoảng 1.000 tỷ đồng lợi nhuận nữa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, đây là các cam kết, còn việc thực hiện ra sao thì cần thời gian. Về việc thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất theo sự đồng thuận đã được công bố của các ngân hàng thương mại. theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi việc cam kết đó thực hiện kết quả được bao nhiêu, thực hiện như thế nào, có thực sự, thực chất không; giám sát thông qua nhiều hình thức và trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng thường xuyên báo cáo kết quả việc giảm lãi suất.
Bình luận về cam kết giảm lợi nhuận lên tới hơn 24.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương để hỗ trợ doanh nghiệp, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng nói với Trí thức trẻ: “Đó là một cam kết trên giấy nhưng cách thức triển khai thế nào để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi thực sự là điều không dễ dàng trong thực tế”. Ông này cũng cho biết, tương tự như việc đưa ra một gói tín dụng hỗ trợ lãi suất ưu đãi với quy mô hàng trăm nghìn tỷ, việc triển khai thế nào để có hiệu quả trong thực tiễn và doanh nghiệp, người dân được hưởng lợi thực sự mới là quan trọng.
Chuyên gia này nhận xét, trong thời dịch bệnh như hiện nay, các quyết định sẽ không giống như bình thường nên các chính sách mang tính hành chính là có thể hiểu được. Tuy nhiên, về bản chất, mối quan hệ vay trả giữa ngân hàng và doanh nghiệp hay người dân là quan hệ thương mại và có tính pháp lý. Ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm với người gửi tiền và cổ đông nên nếu áp đặt hoàn toàn một chiều thì “việc giảm hàng chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận để hỗ trợ người dân sẽ khó thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Đó đơn thuần là quy luật kinh tế thôi”.
Vị này cho rằng, với mức độ giảm lên tới hơn 1 tỷ USD như vậy nếu như các cơ quan quản lý không có chính sách hỗ trợ trở lại với chính hoạt động của các ngân hàng thương mại thì việc giảm thực sự là không khả thi. “Dù Ngân hàng Nhà nước có thể dùng biện pháp hành chính để răn đe các tổ chức tín dụng không thực hiện nghiêm nhưng nên nhớ việc cam kết của họ không phải là một căn cứ pháp lý. Ở đây, vẫn phải có chính sách theo quy luật thị trường đi kèm”, chuyên gia này cho biết.
Theo đó, với các ngân hàng giảm trên quy mô lớn có thể được hưởng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn, hoặc các chính sách nào đó thuận lợi cho hoạt động. Những chính sách này không bù đắp hết được việc giảm lãi suất cho doanh nghiệp, người dân nhưng cũng sẽ giúp họ phần nào.
Trao đổi với Trí thức trẻ về cam kết giảm hơn 20.000 tỷ đồng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng để giảm lãi vay cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) cho biết: “Giảm lãi suất là tốt nhưng cần quan tâm đến 2 điều. Thứ nhất, đồng thời thực hiện cả việc giảm đối với lãi suất cho vay và giãn, hoãn nợ cho người vay. Thứ 2, điều quan trọng nhất là phải cho doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng”.
Theo TS Võ Trí Thành, vấn đề trong khó khăn là các doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hay không chứ không hẳn là lãi suất. Nếu họ đã có tình hình tài chính tốt, vay trả đúng hạn thì nhiều khả năng đã được ưu tiên giảm lãi suất rồi vì ngân hàng đang có điều kiện đầu vào thấp.
“Tuy nhiên, vấn đề là các doanh nghiệp mà gặp khó khăn thì giảm lãi suất cho khoản vay cũ là một phần. Phần quan trọng hơn nhiều là có tiếp tục được vay để sống tiếp được”, chuyên gia này nói thêm.