Du lịch, hàng không tiếp tục kiệt quệ
Không chỉ ngành du lịch, dịch vụ mà ngay cả doanh nghiệp sản xuất cũng kiệt quệ khi làn sóng đại dịch COVID-19 bùng phát. Mới đây nhất, hãng Coca Cola, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam dừng sản xuất. Tiếp đó Vissan, doanh nghiệp cung cấp thịt lớn nhất TPHCM ngưng hoạt động do nhà máy sản xuất xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19.
Theo báo cáo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về tình hình hoạt động hàng không trong năm 2021, lượng khách quốc tế và nội địa lần lượt giảm 1,38 tỷ và 1,32 tỷ hành khách, giảm 74% và 50% so với năm 2019 và làm sụt giảm doanh thu lần lượt 250 tỷ và 120 tỷ USD.
Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thị trường sụt giảm nghiêm trọng nhất, nhu cầu vận tải hàng không khiến doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 70% so với năm 2020. Điển hình VietnamAirline, hãng đã lỗ luỹ kế lên tới 10 ngàn tỷ đồng.
Đợt dịch COVID-19 lần 4 bùng phát năm 2021 khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so với cùng kỳ năm 2020. Dự báo hoạt động vận tải hàng không tiếp tục gặp khó trong năm nay. Nếu dịch COVID-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước dịch bệnh.
Chưa dừng lại ở đó, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nặng đến ngành du lịch, khi lượng du khách tiếp tục sụt giảm mạnh. Đặc biệt, các hoạt động du lịch gần như phải ngủ đông khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vào đầu mùa hè, mùa cao điểm du lịch nhất năm khiến ngành công nghiệp không khói gần như tê liệt, bị tác động trực diện nên tất cả các công ty du lịch, các ngành dịch vụ rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Theo ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Du lịch Kiwi Travel cho biết, doanh nghiệp đang vay vốn tại Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) với lãi suất 9,07%/năm. Hiện nguồn thu của doanh nghiệp không có. "Chúng tôi kỳ vọng được hỗ trợ lãi suất ở mức thấp nhất có thể để giảm bớt chi phí. Nếu giảm về mức lãi suất khoảng 7%/năm thì đây là cách chia sẻ của ngành ngân hàng với du lịch.
Du lịch là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất qua các đợt dịch COVID-19 bùng phát. Do đó, chúng tôi mong muốn lãi suất cho vay có thể giảm thêm hoặc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lưu động để các công ty du lịch có thể cầm cự qua đại dịch này"..
Giảm lãi suất chưa đồng đều?
Sau cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng với 16 tổ chức tín dụng, hàng loạt các nhà băng đã giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, mặt bằng cho lãi suất vay đã giảm đáng kể. Mức giảm phổ biến từ 0,5 - 2%.
Với ngân hàng BIDV, từ nay đến cuối năm 2021 sẽ giảm lãi suất cho vay bình quân 1% cho dư nợ hiện hữu, một số nhóm khách hàng khó khăn sẽ được giảm tối đa 2% so với lãi suất hiện hành.
VietinBank cho biết tổng số tiền lãi và phí ngân hàng hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm nay trên 2.000 tỉ đồng và cả năm lên tới trên 6.000 tỉ đồng. Trong đó, đợt này VietinBank giảm lãi vay tối đa 1% cho các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới.
Vietcombank áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng từ nay đến hết năm 2021. Khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ được giảm tối đa 1% tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực cụ thể, mục đích vay vốn. Không áp dụng với các khoản dư nợ đang được hưởng ưu đãi lãi suất và một số khoản vay khác như vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản… Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong năm 2021 dự kiến lên tới 6.100 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Dịch vụ Thương mại Đức Minh, cho biết đã nhận thông báo giảm lãi suất cho khoản vay vốn lưu động của công ty về 6,1%/năm so với mức 6,6%/năm trước đó. Mức lãi suất này ở thời điểm hiện tại là hợp lý trong bối cảnh các doanh nghiệp đang chịu tác động của dịch COVID-19.
Một số doanh nghiệp khác cho biết cũng nhận được thông báo giảm lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, doanh nghiệp kỳ vọng được giải ngân thêm vốn lưu động để duy trì hoạt động của công ty. Nhiều doanh nghiêhp cho biết 2 khoản vay tại Vietcombank và Techcombank được giảm 0,5%, trong khi một số khoản vay ở các ngân hàng khác thì không được giảm bởi đã được gia hạn, cơ cấu lại thời gian trả nợ gốc.