Vietcombank vừa công bố thông tin chào bán ra công chúng cổ phần của Eximbank và MB trong tháng 10/2018 mà hiện ngân hàng này đang sở hữu. Cụ thể, Vietcombank sẽ chào bán 53,4 triệu cổ phiếu của MB (mã MBB) với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu (dự kiến ngày 12/10); đăng ký chào bán với phương thức đấu giá công khai 45,6 triệu cổ phiếu của Eximbank (mã EIB) giá khởi điểm là 14.497 đồng/cổ phiếu (dự kiến ngày 22/10).
Kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, hoạt động ngân hàng có khởi sắc hỗ trợ tiến trình thoái vốn hiệu quả hơn |
Hiện tại, Vietcombank đang nắm khoảng 150,6 triệu cổ phiếu MBB (tương đương 6,97% vốn điều lệ) và 101,2 triệu cổ phiếu EIB. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên quý II/2018, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Xuân Thành cho biết, tỷ lệ sở hữu cổ phần ở hai TCTD là MB và Eximbank của Vietcombank vẫn còn trên mức 5%. Nếu chào bán thành công 53,4 triệu cổ phiếu MBB, Vietcombank sẽ gom về ít nhất 1.048 tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,5%. VCB cũng sẽ thu ít nhất 661 tỷ đồng nếu bán thành công 45,6 triệu cổ phiếu EIB, rút xuống chỉ nắm giữ 55,6 triệu cổ phiếu. Vietcombank cũng đã rút người đại diện phần vốn góp của mình tại Eximbank.
Trước đó, Vietcombank cũng thoái vốn tại Saigonbank, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC). Vietcombank cũng đã thành công khi bán 6,67 triệu cổ phiếu OCB, thu về 171,96 tỷ đồng.
Không chỉ Vietcombank, VietinBank cũng đã thoái vốn tại Saigonbank từ 10,39% xuống còn 4,91% thông qua bán đấu giá công khai; Eximbank thoái vốn trên 7,8% khỏi Sacombank...
Trao đổi với chuyên gia, phần lớn đều nhận định việc các nhà băng đẩy mạnh thoái vốn chủ yếu nhằm đáp ứng quy định đặt ra tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Khoản 3 Điều 20 của Thông tư 36 quy định, NHTM chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá hai TCTD khác, trừ trường hợp TCTD là công ty con của NHTM; đồng thời chỉ được mua, nắm giữ dưới 5% vốn có quyền biểu quyết của TCTD khác đó.
Lộ trình thoái vốn đặt ra là một năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (1/2/2015). Tuy nhiên cho tới thời điểm này, việc thoái vốn ở một số ngân hàng vẫn chưa thể hoàn tất do nhiều nguyên nhân. Theo BVSC, nguyên nhân khách quan có thể tới từ bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế ở vài năm trước, thị trường chứng khoán cũng chưa ghi nhận sự tăng trưởng như hiện nay, đó là chưa kể nhiều ngân hàng phải tập trung cho tái cơ cấu. Bên cạnh đó, một số ngân hàng lớn buộc phải tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém (theo kế hoạch tái cơ cấu đã được Chính phủ, NHNN thông qua) dẫn đến không đáp ứng được quy định của Thông tư 36... Tuy nhiên, sau một thời gian tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém đã hoạt động tốt trở lại. Vì thế các nhà băng đang phải tích cực chạy đua để có thể thoái vốn tại các TCTD thuận lợi và nhanh chóng.
“Động thái mạnh mẽ từ phía NHNN trong vấn đề sở hữu chéo khiến các nhà băng hiện nay không thể chần chừ đối với tiến trình thoái vốn trong hệ thống. Bởi sở hữu chéo dẫn tới những quan hệ chồng chéo, dễ khiến cho một số ông chủ ngân hàng lợi dụng để theo đuổi mục tiêu, lợi ích cá nhân. Thêm nữa, điều kiện để thoái vốn thời điểm này cũng tốt hơn khi mà kinh tế vĩ mô đang ghi nhận sự tăng trưởng tốt, hoạt động ngân hàng cũng có những sự cải thiện đáng kể, qua đó gia tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; thị trường chứng khoán cũng khởi sắc hơn…”, chuyên gia chia sẻ.
Dù không phải động cơ chính, song vị chuyên gia này cũng nói thêm, ở thời điểm này cổ phiếu ngân hàng đang có những dấu hiệu tích cực, sẽ hỗ trợ tốt hơn cho cổ phiếu ngân hàng khi bán ra. Đơn cử như trường hợp thoái vốn khỏi Sacombank đã đóng góp vào lợi nhuận gần 648 tỷ đồng cho Eximbank. Hay như Vietcombank bán toàn bộ 1,4 triệu cổ phiếu OCB cho hai nhà đầu tư cá nhân với giá trung bình 20.501 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị 30 tỷ đồng… Tất nhiên, đấu giá thành công hay không cũng còn phụ thuộc lớn vào khẩu vị của nhà đầu tư.
Tác động kép từ Basel II
Trao đổi với TS-LS. Bùi Quang Tín, ông này cho rằng cũng cần phải nói tới việc đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Nếu như ngân hàng tuân thủ theo Basel II, hệ số an toàn vốn (CAR) sẽ có nguy cơ sụt giảm, thậm chí dưới mức tối thiểu là 8%. Động thái tích cực thoái vốn của các ngân hàng cũng sẽ tạo thêm điều kiện để các nhà băng cải thiện hệ số CAR.
Tại thời điểm này, ngân hàng thường có hai cách để tăng vốn chủ sở hữu: Thứ nhất là tăng một cách sinh học - tăng từ lợi nhuận, việc thoái vốn có thể giúp tăng lợi nhuận song việc này cũng rất giới hạn. “Các ngân hàng hiện tại đang thúc đẩy thực hiện tăng vốn qua mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo tôi hành động này mới cải thiện đáng kể hệ số CAR, chứ không phải qua thông qua việc tăng sinh học, trong đó có việc thoái vốn ở các ngân hàng khác”, chuyên gia cho hay.
Thị trường chứng khoán khởi sắc là cơ hội để các ngân hàng có thể đẩy mạnh tiến trình thoái vốn. Song thực tế, đối với các ngân hàng lớn, có sức khoẻ tài chính đủ mạnh thì việc thoái vốn sẽ dễ dàng hơn so với các ngân hàng quy mô nhỏ, năng lực tài chính khiêm tốn. “Với ngân hàng lớn, sẽ thuận lợi hơn khi họ dễ bán được cổ phiếu, hay nói cách khác là cố phiếu có tính thanh khoản. Ngược lại, ngân hàng hạng trung hoặc nhỏ thì giá trị cổ phiếu cũng ít nhiều có ảnh hưởng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Đứng trước áp lực thoái vốn của cổ đông lớn, chuyên gia nhận định lý tưởng nhất là có một đối tác phù hợp tiến hành M&A. Khi M&A là cơ hội giúp cho các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, tài chính, giảm sở hữu chéo.
Việc thoái vốn cũng giúp các ngân hàng có thêm một lượng vốn tự có, qua đó hỗ trợ NHTM cung cấp các gói vay thế chấp kỳ hạn dài hơn. Điều đó càng quan trọng khi mà nguồn vốn trung dài hạn vẫn đang khan hiếm hiện nay. Chia sẻ tại một hội thảo gần đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, áp lực cho vay trung, dài hạn vẫn lớn và các TCTD vẫn phải đối mặt với rủi ro về chênh lệch kỳ hạn. Bởi thế, các ngân hàng cần chú trọng cân đối nguồn vốn để kiểm soát rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.