Sau khi thông điệp của NHNN tới thị trường sẽ không nới room tín dụng cho các ngân hàng, trừ một số trường hợp đặc biệt, các NHTM đã nhanh chóng có kế hoạch cân đối lại tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm. Qua trao đổi với phóng viên, đa phần lãnh đạo ngân hàng cho biết, họ sẽ thay đổi khẩu vị tín dụng, tập trung nhiều vào chất lượng thay vì số lượng thông qua cơ cấu lại danh mục cho vay, ưu tiên các phân khúc khách hàng có hiệu suất sinh lời tốt hơn.
Ngoài các giải pháp cơ cấu lại danh mục tín dụng giữ lại những món nợ tốt, chấm dứt hợp đồng tín dụng sinh lời thấp… để bù đắp lợi nhuận bị hụt đi, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu các ngân hàng còn tăng cường hoạt động kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng, mua trái phiếu, giao dịch ngoại hối… Đó cũng là lý do doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đều tăng.
Theo thống kê của NHNN Việt Nam, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng bằng VND trong tuần từ 27-31/8 đạt xấp xỉ 186.409 tỷ đồng, bình quân 37.282 tỷ đồng/ngày, tăng 9.698 tỷ đồng/ngày so với tuần 20 - 24/8/2018. Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 99.419 tỷ đồng, bình quân 19.884 tỷ đồng/ngày, tăng 2.088 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Cũng với mục đích hạn chế hao hụt lợi nhuận, thời gian qua nhiều ngân hàng tìm cách tiết giảm chi phí hoạt động hơn để không ảnh hưởng nhiều đến “niêu cơm” của mình. Một số ngân hàng còn tăng cường xử lý nợ xấu để đem về nguồn thu bất thường bổ sung lợi nhuận có thể hụt trong năm nay do thu từ tín dụng giảm.
Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho hay, ngân hàng này đang cấu trúc danh mục cho vay tập trung tài trợ vốn cho nhóm khách hàng cá nhân, DNNVV, trong đó chủ yếu cho vay vốn ngắn hạn.
Tổng giám đốc một NHTMCP nhỏ khác trong TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngân hàng này chuyển mạnh sang bán lẻ, đặc biệt là tín dụng bán lẻ khu vực nông nghiệp nông thôn. Khi chuyển sang hướng này, khác với mọi người nghĩ hiệu quả kinh tế thấp nhưng thực tế, cho vay khu vực này vừa đảm bảo sinh lời tốt, lại an toàn. Đây lại là đối tượng được Chính phủ, NHNN ưu tiên.
“Trong thời gian tới ngân hàng sẽ đi theo con đường này. Hy vọng tín dụng tăng trưởng mới đem lại hiệu quả thực sự cho khách hàng, được xã hội đồng thuận, NHNN ủng hộ và có thể hỗ trợ nới room tín dụng đối với lĩnh vực này”, vị này chia sẻ thêm.
Có thể thấy, định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN đã có tác động nhất định nâng chất lượng tín dụng của các TCTD. Một chuyên gia ngân hàng phân tích: việc không nới tín dụng cho nhiều ngân hàng có tác động cả tiêu cực và tích cực. Mặt tiêu cực là lợi nhuận của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng. Nhưng mặt tích cực lại rất nhiều. Có thể thấy rõ nhất là bắt buộc các ngân hàng phải cơ cấu lại danh mục tín dụng để giữ tín dụng có lợi nhất, ít rủi ro nhất, tiết giảm chi phí hoạt động. Một điểm rất tích cực đó là do siết chặt tín dụng nên các ngân hàng không đổ tiền cho vay hai lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro là bất động sản và chứng khoán.
“Việc siết chặt tín dụng, về mặt vĩ mô có nhiều điểm lợi”, vị này khẳng định và cho rằng, hướng đi siết chặt tín dụng nên tiếp tục trong năm sau để các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tín dụng, cơ cấu danh mục tín dụng hợp lý nhất, tránh rủi ro cũng như tạo tiền đề ổn định bền vững của ngân hàng.
Theo giới chuyên môn, để đảm bảo doanh thu trong quý cuối năm nay cũng như thời gian tới, các ngân hàng cần phải tăng cường các nguồn thu ngoài lãi như phí dịch vụ, bancassurance... để đảm bảo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chung quan điểm cho rằng, từ nay đến năm sau các ngân hàng phải tích cực đầu tư hơn nữa để tăng thu từ dịch vụ. Đây là nguồn thu quan trọng và phù hợp với định hướng Đề án 1058 tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục giảm thiểu tính chất độc canh tín dụng của ngân hàng.
Định hướng trên hoàn toàn hợp lý nhưng để thực hiện được theo vị chuyên gia trên không hề dễ dàng. Hiện tại tỷ lệ thu dịch vụ trên tổng thu nhập của các ngân hàng còn thấp. Cũng có ngân hàng đạt tỷ lệ thu dịch vụ 30-40%/tổng nguồn thu nhưng số này chỉ rất ít, còn lại đa số nguồn thu từ dịch vụ chỉ chiếm khoảng 10-15%.
“Để có nguồn thu bù đắp cho sự hao hụt từ tín dụng, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, các ngân hàng cần phải tăng tỷ lệ thu dịch vụ lên ít nhất 20%/tổng thu nhập của ngân hàng. Muốn làm được như vậy không có cách nào khác buộc ngân hàng phải tăng cường chất lượng cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn đáp ứng nhu cầu của khách hàng chứ không thể mãi chăm chăm vào hoạt động tín dụng”, một chuyên gia ngân hàng cho biết.