Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, kỳ vọng thu nhập từ các dịch vụ phi truyền thống (Bancassurance, thẻ tín dụng, e-banking) sẽ tăng khi các ngân hàng chuyển hướng sang tập trung vào phân khúc bán lẻ. VDSC cũng đưa ra dự báo tăng trưởng thu nhập dịch vụ sẽ ở mức từ 20-30%/năm từ nay đến năm 2022, tỷ trọng của thu nhập phí trên tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng từ 8% năm 2017 lên 13% vào năm 2022.
Công nghệ thời kỳ 4.0 sẽ hỗ trợ NH rất nhiều trong thu phí từ dịch vụ
Theo dõi trên thị trường, dù không phải tất cả nhưng có thể nhận thấy 3 quý đầu năm 2018, hoạt động dịch vụ của các ngân hàng tăng trưởng tương đối ổn định, đóng góp tương đối vào thu nhập hoạt động. Đơn cử như BIDV, Techcombank - hai đơn vị có lãi từ dịch vụ trên 2.000 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2018. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của TPBank trong 9 tháng cũng đạt gần 440 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ, trong đó lãi từ dịch vụ kinh doanh và bảo hiểm gần 233 tỷ đồng, gấp 27 lần cùng kỳ; lãi từ hoạt động thanh toán gần 83 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ. Hay như MB, trong 3 quý đầu năm 2018, lãi từ dịch vụ đạt tới 1.688 tỷ đồng; LienVietPostBank thu dịch vụ trong 3 quý đầu năm là 205 tỷ đồng - gần gấp đôi cùng kỳ...
Trao đổi với một chuyên gia tài chính – ngân hàng về vấn đề này, ông cho biết, các ngân hàng càng ngày càng nhận thức được rõ ràng việc tăng thu từ dịch vụ là xu hướng đúng đắn, nhằm đa dạng hóa nguồn thu, giúp cho ngân hàng giảm được sự phụ thuộc vào tín dụng và giảm thiểu rủi ro. “Muốn thu lãi từ hoạt động cho vay thì ngân hàng phải tính toán để tăng nguồn vốn chủ sở hữu mới mở rộng được hoạt động tín dụng. Đó là chưa kể rủi ro tín dụng là rất cao”, vị này chia sẻ.
Đặc biệt, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn để kiểm soát lạm phát đang có xu hướng tăng cao, cũng như để ngăn ngừa bất ổn cho hệ thống, nên việc chuyển hướng sang tăng thu từ dịch vụ là tất yếu. Đó là quan điểm và chiến lược của hầu hết các ngân hàng Việt Nam hiện nay. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhâp của các NHTM. Một trong số những giải pháp là chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng từ “độc canh tín dụng” sang mô hình đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ phi tín dụng.
Cũng cần phải nói thêm rằng, việc nhà băng đẩy mạnh tăng thu từ dịch vụ một phần lớn do nhu cầu của các “thượng đế” ngày càng cao. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) cũng cho thấy, hầu hết các TCTD đều đánh giá nhu cầu của khách hàng với sản phẩm dịch vụ tài chính – ngân hàng tiếp tục tích cực trong quý III/2018; trong đó 38,1% TCTD lựa chọn ở mức cao với nhu cầu thanh toán và thẻ. Dự kiến tổng thể năm 2018 so với năm 2017, kết quả điều tra kỳ này cũng chỉ ra 57,5% TCTD đặt ra kỳ vọng với nhu cầu sử dụng dịch vụ và thanh toán thẻ tăng.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang bùng nổ, đại diện Công ty tư vấn Oliver Wyman chia sẻ, ngân hàng phải hiểu khả năng sinh lời từ khách hàng là rất quan trọng để có thể đưa ra các quyết định quan trọng và chiến lược trong thời đại số. Giới chuyên gia cùng chung quan điểm, các sản phẩm mới ra đời cho phép ngân hàng sẽ trực tiếp giao dịch với khách hàng mà không qua chi nhánh. Và trong tương lai, công nghệ thực tế ảo (virtual-reality) cũng như hình ảnh ba chiều (holography) sẽ có thể thay thế hoàn toàn cách giao tiếp của con người. Các thiết bị thông minh như smartphone, máy tính bảng... phát triển song song cùng với thẻ với vai trò là phương tiện chủ yếu để khách hàng tiếp nhận sản phẩm dịch vụ và thực hiện giao dịch qua ngân hàng, đặc biệt là giao dịch thanh toán.
ThS. Lê Phương Lan - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng nhận định, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng truyền thống. Kênh bán hàng qua internet, mobile banking, tablet banking, mạng xã hội... phát triển ngân hàng số và giao dịch không giấy tờ sẽ là xu thế. “Khách hàng sẽ có thể lựa chọn giữa các nhà cung ứng dịch vụ tài khoản thanh toán như các định chế ngân hàng, hay đơn giản chỉ lựa chọn các nhà cung ứng ví điện tử”, bà Lan cho hay.
Điều đó cũng có nghĩa, việc nhanh chóng nắm bắt xu hướng công nghệ mới có ý nghĩa sống còn với các ngân hàng hiện nay. Thấu hiểu điều đó nên trên thực tế, các ngân hàng cũng đã có sự liên kết với các Fintech, đặc biệt là các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung cấp cho khách hàng những sản phẩm phù hợp với CMCN 4.0, tạo ra tiện lợi, tiện nghi cho khách hàng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Chỉ xét riêng trong lĩnh vực thanh toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngân hàng buộc phải có động thái để phát triển CNTT hiện đại nhằm giữ chân khách hàng, mở rộng mạng lưới khách hàng của mình. Công nghệ thời kỳ 4.0 sẽ hỗ trợ rất nhiều trong thu phí từ dịch vụ, nhưng nó cũng đòi hỏi nguồn đầu tư tương đối lớn từ phía ngân hàng.
“Không những phải đáp ứng về hạ tầng cơ sở, mà đặc biệt với vấn đề quản trị rủi ro, an ninh mạng, bảo mật cho hệ thống kế toán, CNTT cũng đặt ra yêu cầu chi phí rất lớn với ngân hàng”, chuyên gia này chia sẻ.