Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19 vào sáng 26/9, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết: Ở góc độ ngân hàng, doanh nghiệp sẽ chia làm 2 nhóm để hỗ trợ, một là ít bị ảnh hưởng và hai là bị ảnh hưởng nhiều, hiện nay đang tê liệt và ngưng hoạt động.
Theo đó, quan điểm của ngân hàng là cần sớm ra tay giúp đỡ để nhóm gặp khó khăn nhiều hơn sớm phục hồi, nếu không doanh nghiệp sẽ phải rút lui khỏi thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải dịch vụ, nhà hàng, khách sạn hay các nhóm ngành giải trí như rạp chiếu phim... được ưu tiên.
Tuy nhiên, theo Phó Tổng giám đốc Sacombank, hiện những điều kiện cho vay như: Kế hoạch kinh doanh hiệu quả, có năng lực tài chính, vốn tự có và có khả năng trả nợ gốc và lãi là thách thức trong quan hệ tín dụng của ngân hàng và khách hàng. Dù ngân hàng có thể nới lỏng điều kiện cho vay nhưng cũng chỉ ở một mức độ nhất định, tùy thuộc từng đối tượng khách hàng. Vì vậy, muốn hỗ trợ đồng loạt cho số đông khách hàng, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ ngân hàng.
"Việc cấp tín dụng mới, tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho đa số khách hàng là quá khả năng của ngân hàng, đặc biệt trước lo ngại về rủi ro. Vì vậy, ngân hàng mong Chính phủ sẽ có bài toán phù hợp, hỗ trợ các ngân hàng chống đỡ với rủi ro để yên tâm triển khai kế hoạch cho vay đối với các doanh nghiệp trên toàn thị trường”, ông Tuệ kiến nghị.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và ngân hàng cần có nhiều quyết sách đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, đặc biệt trong vấn đề tiếp cận vốn vay.
Cụ thể, theo Thông tư 14/2021, Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng tái cơ cấu với dư nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến 30/6/2022; cho phép tổ chức tín dụng miễn giảm phí cho khách hàng đến 30/6/2022.
Tuy nhiên, theo bà Chi hiện nay vấn đề lớn nhất với các đơn vị sản xuất là một giải pháp đột phá, bơm tiền khẩn cấp hỗ trợ cho cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp đã gần như ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng Văn, Giám đốc hệ thống nhà hàng Cua ngon hương vị Đất Mũi cũng cho biết, hiện nay những doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi đang hết sức khó khăn khi bị đình trệ nguồn tiền từ các đối tác nước ngoài khiến việc trả tiền cho bà con ở những vùng thu mua nguyên liệu rơi vào bế tắc. Trong khi các hoạt động trên thị trường không ổn định, doanh thu không có, nhưng chi phí cố định gần như không giảm được nhiều khiến doanh nghiệp cần có nguồn tiền mới để vận hành trở lại.
"Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận vốn vay đến nay vẫn là bài toán nan giải, dù Chính phủ đã khuyến khích các ngân hàng hạ lãi suất. Doanh nghiệp mong muốn có một cơ chế thông thoáng và rộng rãi hơn không chỉ về lãi suất mà còn về thủ tục, chính sách để nhanh chóng được giải ngân nguồn vốn giá rẻ", ông Văn nói.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp KCN TP.HCM cho biết, theo khảo sát của hiệp hội, mức giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp tại TP.HCM hiện nay vẫn khá thấp chỉ từ 0,5-1%. Vì vậy, kiến nghị các ngân hàng cần giảm thêm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp, vì vậy mong rằng hệ thống ngân hàng làm sao cấp thêm vốn cho doanh nghiệp phục vụ chuyển đổi số mà không áp các quy định quá ngặt nghèo.
VCCI cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng; miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh... dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DNNVV... Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các doanh nghiệp đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp.