Sau khi bước quả năm 2020 khả quan hơn kỳ vọng, nhiều ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trong 2021. Đơn cử, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Tổng tài sản tăng 6%, huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tín dụng tăng 12%. Ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Năm 2020, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt 23.068 tỷ đồng, tương đương năm 2019.
VietinBank đặt kế hoạch tổng tài sản tăng khoảng 3-6% trong năm 2021. Tín dụng tăng 8 - 11% và huy động tăng 10-12%. Tỷ lệ nợ xấu đặt mục tiêu kiểm soát dưới 2%. Mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10 - 20%. Năm qua, ngân hàng đạt lợi nhuận riêng lẻ trước thuế đạt 16.450 tỷ đồng, tăng 43%.
BIDV chưa công bố kế hoạch lợi nhuận năm nay. Ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 9%. Dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn tăng 12 – 14,8%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,6%. Nhà băng này dự kiến tổ chức họp cổ đông thường niên 2021 vào ngày 27/2. Năm 2020, lợi nhuận trước thuế riêng ngân hàng đạt 8.515 tỷ đồng và hợp nhất đạt 9.017 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính Ngân hàng Nhà nước giao, giảm lần lượt 18% và 16% so với năm 2019.
Các ngân hàng quốc doanh lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng năm 2021. Ảnh: BIDV |
Ở khối ngân hàng tư nhân, một số đơn vị mới hoặc chuẩn bị niêm yết đã công bố kế hoạch kinh doanh. MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 30%, tất cả các chỉ tiêu khác như tổng tài sản, tín dụng và tiền gửi khách hàng tăng tương đương. Năm 2020, ngân hàng này này có lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2019 và vượt 74% chỉ tiêu năm
SeABank đặt mục tiêu lãi sau thuế 1.639 tỷ đồng trong 2021, tăng 36% so với kế hoạch năm 2020, theo thông tin từ bản cáo bạch chào sàn. Trong khi đó, năm qua, ngân hàng lãi trước thuế gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019 và vượt 15% kế hoạch đặt ra. Tổng tài sản đạt 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; Tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%.
Một ngân hàng khác chuẩn bị lên sàn là OCB đặt kế hoạch lãi trước thuế 5.060 tỷ đồng năm nay tăng 15% so với chỉ tiêu năm 2020. Tổng tài sản và cho vay thị trường 1 dự kiến tăng 19%. Tương tự, nhà băng này cũng vừa công bố lợi nhuận trước thuế năm qua với kết quả ngoài dự đoán với 4,414 tỷ, tăng 37% so với năm 2019, vượt chỉ tiêu năm. Tổng tài sản OCB đạt 152,848 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm. Huy động vốn đạt 108,614 tỷ, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90,128 tỷ đồng, tăng 24%.
Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research nhận định Nghị định 121 đã tạo hành lang pháp lý hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước huy động vốn và cải thiện tăng trưởng kinh doanh.
SSI Research dự báo lợi nhuận NHTM quốc doanh ước tính tăng 30% so với năm 2020. Trong khi đó, NHTM cổ phần kỳ vọng cao hơn 17,2%. Tính chung, đơn vị phân tích nhận định lợi nhuận trước thuế trung bình của ngân hàng sẽ tăng 21% so với năm trước.
|
Lợi nhuận các ngân hàng có thể phân hóa do tác động của Thông tư 01 sửa đổi. Ảnh: B.L |
CTCK VNDirect dự báo lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng vào năm sau. Hệ thống ngân hàng là kênh chính, nơi Chính phủ sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. VNDirect kỳ vọng tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục được duy trì cao và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.
Các ngân hàng sẽ là nhóm đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi. Tỷ lệ phục hồi sẽ khác nhau giữa các ngân hàng do sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, danh mục cho vay, cơ sở khách hàng và khẩu vị rủi ro.
Tuy nhiên, theo SSI Research, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là yếu tố tạo nên sự phân hóa lợi nhuận. Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu, hoãn thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo dự thảo Thông tư 01 sửa đổi mới nhất, các ngân hàng có thể phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho nợ tái cơ cấu trong thời hạn dự kiến tối đa là 3 năm thay vì không phải trích lập như quy định trong Thông tư cũ.
Việc dự phòng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng. Những nhà băng đã đẩy mạnh trích lập trong năm trước sẽ ít chịu áp lực từ việc sửa đổi Thông tư 01 và đạt tăng trưởng cao hơn.