Chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm online và lãi suất tiết kiệm tại quầy ở cùng kỳ hạn tại một số ngân hàng hiện nay lên đến hơn 1%/năm.
Giữa lúc dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng gửi tiền online thông qua việc tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%năm so với trước. Đồng thời cũng có không ít các ngân hàng cộng thêm lãi suất với mức từ 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn, còn các kỳ trung và dài hạn, một số mạnh tay cộng thêm đến hơn 1%/năm.
Kỳ hạn dưới 6 tháng không có nhiều sự thay đổi
Theo khảo sát tại của chúng tôi trong ngày 2/4, lãi suất huy động kỳ hạn 1 – 5 tháng được niêm yết phổ biến trong khoảng 4,3 - 4,75%/năm. Lãi suất cho các khoản tiền gửi trực tuyến tại các kỳ hạn này không có sự chênh lệch quá lớn so với gửi tại quầy do vướng quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Một số ít ngân hàng do niêm yết lãi suất tại quầy thấp nên với lãi suất online đã nới tăng đáng kể, chẳng hạn như Techcombank tăng 0,45%, SeABank tăng 0,4%, ACB và BIDV tăng lần lượt 0,25 và 0,2 điểm phần trăm.
Kỳ hạn từ 6 tháng trở lên: Lãi suất tăng 0,1 - 0,3%/năm ở một số ngân hàng; chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm online và tại quầy cao nhất tới 1,4%/năm
Ở nhóm ngân hàng quốc doanh, VietinBank đã thực hiện cộng thêm lãi suất đến 0,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm online qua kênh ngân hàng điện tử so với trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND tại quầy. Tại BIDV, khách hàng gửi tiền online cũng sẽ được cộng thêm 0,2%/năm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch. Trong khi đó, tại Vietcombank đến thời điểm này chưa có thông báo cộng lãi suất.
Mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm online và lãi suất tiết kiệm tại quầy của một số ngân hàng |
Ở nhóm ngân hàng cổ phần, SCB là ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiết kiệm online cao nhất, với lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 8,03 - 8,21%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,48 - 8,66%,… Theo đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến các kỳ hạn 6 tháng, kỳ hạn 12 tháng lần lượt cao hơn lãi suất tại quầy là 0,9 - 1,11 và 0,98 - 1,16 điểm phần trăm.
Với kỳ hạn 6 tháng, Eximbank hiện niêm yết lãi suất tiết kiệm trực tuyến ở mức 7%/năm, và đây cũng là ngân hàng có mức chênh lệch lãi suất tại quầy và online cao nhất trong số các ngân hàng tham gia khảo sát - tới 1,4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm online của Techcombank và Viet Capital Bank cũng hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm truyền thống, mức chênh lệch dao động từ 0,45 - 0,8 điểm phần trăm. Riêng Viet Capital Bank tăng lãi suất 0,3%/năm so với mức cũ trước ngày 01/4.
Tại VIB, MSB, TPBank, SeAbank, SHB hay MBBank, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến cũng sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất trong khoảng từ 0,1 - 0,4% so với gửi tiết kiệm tại quầy. Trong khi đó, KienLongBank ưu đãi thêm lãi suất cho các khoản tiền gửi online từ 0,2-0,25%/năm so với tiết kiệm truyền thống.
ACB cũng tăng 0,2% cho kỳ 6 tháng và 0,05% cho các kỳ hạn dài hơn để thu hút tiền gửi.
Nhóm 6 ngân hàng bao gồm VPBank, ABBank, HDBank, OCB, Sacombank, Viet A Bank tăng đều lãi suất cho tất cả các kỳ hạn lên 0,1 điểm phần trăm cho các khoản tiền gửi trực tuyến so với gửi tại quầy.
Ngoài ra, cũng có một số ngân hàng không có sự thay đổi lãi suất giữa 2 hình thức gửi tiền này như ngân hàng LienVietPostBank.
Dịch Covid -19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế tại Việt Nam, khiến dòng tiền có xu hướng rót vào các kênh đầu tư an toàn. Do vậy, việc gửi tiền tiết kiệm, nhất là tiết kiệm online càng nên được ưu tiên hơn trong giai đoạn này do lãi suất hấp dẫn lại có tính linh động cao vì nhà đầu tư có thể nhanh chóng rút ra để chuyển sang các kênh khác khi có cơ hội.
(Theo Nhịp Sống Việt/ Tổ quốc)