Gần đây, trên trang fanpage FTU2 Confessions của sinh viên trường ĐH Ngoại thương TP HCM, một số sinh viên của trường chia sẻ đang rơi vào tình cảnh oái oăm sau khi được nhân viên ngân hàng đến tư vấn, giới thiệu mở thẻ tín dụng rồi dở khóc dở cười vì các loại phí.
Theo lời một số sinh viên, nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) trực tiếp đến trường tư vấn làm thẻ tín dụng với yêu cầu chỉ cần cung cấp họ tên, số điện thoại, hình ảnh CMND, không cần chứng minh tài chính, khả năng trả nợ…
Sau một thời gian, sinh viên mới phát hoảng vì đủ loại phí như phí thường niên 150.000 đồng/năm, nếu hủy thẻ trong năm đầu sẽ tốn 220.00 đồng/thẻ, phí rút tiền mặt tại máy ATM là 4,4% trên giá trị giao dịch, các loại lãi phạt nếu trả nợ chậm.
"Nhân viên ngân hàng không thông tin làm thẻ để làm gì, các loại phí ra sao. Em có hỏi cần đóng thêm tiền làm thẻ hay chi phí phát sinh thì anh nhân viên đó chỉ nói là làm thẻ miễn phí" – một sinh viên trường ĐH Ngoại thương TP HCM nói.
Người dùng nên tìm hiểu kỹ các loại phí khi mở thẻ tín dụng. Ảnh minh hoạ: Linh Anh
Phóng viên Báo Người Lao Động đã liên hệ TPBank để tìm hiểu về sự việc này, đại diện ngân hàng cho biết TPBank có loại thẻ tín dụng dành cho nhiều đối tượng, trong đó có sinh viên là TPBank Visa FreeGo được ngân hàng phát hành theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, hạn mức thẻ được cấp từ 3 -5 triệu đồng/tháng. "Qua sàng lọc, các trường được TPBank lựa chọn phát hành thẻ là những trường đại học danh tiếng để bảo đảm thêm sự tín nhiệm. Ngân hàng muốn sinh viên làm quen với sản phẩm ngân hàng để sau này khi ra trường, có việc làm thì nhóm đối tượng này sẽ là các khách hàng trung thành của ngân hàng" – đại diện TPBank giải thích.
Khi phóng viên thắc mắc vì sao về nguyên tắc khi mở thẻ tín dụng, khách hàng thường phải chứng minh được khả năng tài chính để trả nợ nhưng nhóm đối tượng sinh viên hoàn toàn không có thu nhập ổn định mà thường nhận ngoài trợ cấp từ gia đình làm sao chứng minh được khả năng tài chính?
Đại diện TPBank cho rằng dù sinh viên có thu nhập phụ thuộc nhiều vào gia đình nhưng vẫn có khả năng trả. Khi xây dựng sản phẩm thẻ này, ngân hàng đã có tính toán và chấp nhận rủi ro ở một mức độ nhất định nhưng tổng thể vẫn bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Đối với sinh viên, bên cạnh việc đáp ứng quy định của pháp luật về đối tượng được phát hành thẻ, ngân hàng cũng đưa ra một số điều kiện thêm như đang theo học tại hệ đại học chính quy tại các trường đại học theo danh sách đã được TPBank quy định và có điểm trung bình tích lũy > 5,5…
Theo ghi nhận, không chỉ sinh viên mà nhiều khách hàng thấy ngân hàng đua phát hành thẻ tín dụng kèm khuyến mại lớn liền đăng ký mở thẻ, dù nhu cầu không thật sự cần thiết. Chỉ một thời gian sau khi sử dụng, người dùng mới tá hỏa khi biết nhiều loại phí như phí thường niên, phí mở thẻ thẻ, phí phạt, phí hủy thẻ…
Các chuyên gia tài chính khuyến cáo khách hàng nên dành thời gian đọc và hiểu tất cả chính sách của các tổ chức phát hành thẻ, nhất là đối với việc thanh toán để tránh mọi khoản tiền lãi không mong muốn. Thông thường, các khoản phí và điều khoản thanh toán được ngân hàng thương mại công bố công khai tới người dùng trên trang web của ngân hàng và trên hợp đồng dịch vụ giữa người dùng thẻ và ngân hàng. Hằng tháng, người dùng thẻ cũng nhận được bảng sao kê, trong đó in rõ những ghi chú quan trọng của việc thanh toán dư nợ đầy đủ.