Cuối năm 2019, hoạt động cho vay của một số ngân hàng (NH) thương mại trở nên dồn dập, nhất là sau khi NH Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, giảm 0,5 điểm % trần lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên; đồng thời giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc mà các NH thương mại gửi tại NH Nhà nước.
Tiếp thị từng khách hàng
Đầu tháng 12-2019, anh Lê Văn Thương (quận Tân Bình, TP HCM) được nhân viên của NH D. gọi điện thoại mời chào cho vay mua nhà, thời hạn vay 10-20 năm, lãi suất 10%/năm đầu tiên, các năm tiếp theo lãi suất vay được tính bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng (hiện tại là 7,3%/năm) cộng với biên độ 3%-4%.
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động cho vay Ảnh: TẤN THẠNH
"Tôi đã thế chấp sổ hồng vay tiền NH E. 1 tỉ đồng. Vậy làm cách nào để vay tiền của NH D.?" - anh Thương hỏi. Nhân viên NH trả lời: "Chúng tôi sẽ chủ động hoàn tất thủ tục để anh tất toán toàn bộ số tiền vay cho NH E. Sau đó, sổ hồng được chuyển về thế chấp tại NH chúng tôi cùng số tiền mà anh đã vay từ NH E.".
"Với 1 tỉ đồng đã vay NH E., lãi suất 12%/năm, nếu tôi chuyển sang vay NH D. với lãi suất 10%/năm thì ngay trong năm đầu tiên sẽ giảm được 2% lãi suất (khoảng 20 triệu đồng); đồng thời lãi suất tiết kiệm đang có xu hướng đi xuống nên các năm tiếp theo lãi suất cho vay có thể không cao hơn hiện nay" - anh Thương tính toán.
Thế nhưng, một số cán bộ tín dụng cho biết do bị hấp dẫn với lãi suất mềm, không tìm hiểu kỹ điều kiện trả nợ trước hạn nên không ít người nghĩ rằng việc chuyển khoản vay từ NH A. này đến NH B. sẽ có được chi phí vay vốn thấp hơn. Thế nhưng, khi người vay NH B. trả trước một phần của số tiền vay thì NH này thu phí trả nợ trước hạn 3%-4%. Tính ra, với lãi suất cho vay 10%/năm cộng với phí trả nợ trước hạn, chi phí vay vốn lần sau lên tới 13%-14%/năm, cao hơn NH A. 1-2 điểm %.
Nhân viên của một NH thương mại cổ phần ở TP HCM cũng liên tục điện thoại đến khách hàng của mình để cho vay tiền mặt thông qua thẻ tín dụng, lãi suất 20,28%/năm. Ví dụ, khi chủ thẻ có nhu cầu, NH V. giải ngân 100 triệu đồng đã cấp trong thẻ tín dụng vào một tài khoản cá nhân, đồng nghĩa chủ thẻ đã vay của NH V. toàn bộ số tiền này.
Là người thường xuyên sử dụng thẻ, chị Lê Thanh Hằng (quận 7, TP HCM) cho rằng vay tiền mặt NH thông qua thẻ tín dụng sẽ giảm được nhiều chi phí. "Bởi hiện nay, khi khách hàng dùng chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt tại máy ATM thì ngoài lãi suất phổ biến 25%-28%/năm, NH còn thu phí 3%-4% số tiền được rút. Trong khi đó, nếu ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chủ thẻ rút tiền mặt thì lãi suất chỉ hơn 20%/năm. Như thế, tuy bản chất đều là vay bằng tiền mặt nhưng nếu chủ thẻ trực tiếp rút tiền phải gánh chịu chi phí lên tới 28%-32%/năm (bao gồm lãi suất và phí rút tiền mặt)" - chị Hằng phân tích.
Đua khuyến mại
NH Công Thương Việt Nam vừa tung ra thị trường chương trình khuyến mại "Lãi nhỏ vay ngay, vận may năm mới" dành cho cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, lãi suất từ 7%/năm. NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) triển khai gói cho vay 10.000 tỉ đồng từ nay đến hết quý I/2020. Theo đó, khách hàng vay vốn sản xuất, kinh doanh trong thời gian này được miễn phí duy trì dịch vụ ngân hàng điện tử, đồng thời cộng 0,2%/năm lãi suất khi gửi tiền online…
Riêng NH Tiên Phong (TPBank) tung ra chương trình cho vay "Nhà đẹp - Xe sang - Ngập tràn quà tặng" lãi suất từ 6,8%/năm. Khách hàng vay vốn theo chương trình này sẽ có cơ hội quay số trúng thưởng ôtô trị giá 570 triệu đồng và nhiều giải thưởng khác.
Lãnh đạo một số NH cho biết thời điểm này, một số NH lớn chưa sử dụng hết hạn mức tín dụng đã được NH Nhà nước cấp từ đầu năm 2019. Ngược lại, các NH nhỏ được cấp hạn mức tín dụng khá nhỏ và sử dụng hết hạn mức này trong 6 tháng đầu năm 2019. Trong khi đó, từ tháng 6, NH Nhà nước lần lượt cấp thêm hạn mức tín dụng 1.000-5.000 tỉ đồng cho một số NH. Từ đó, các NH tranh đua khuyến mại nhằm tìm kiếm khách hàng để giải ngân.
Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn một NH có hội sở tại Hà Nội cho hay vừa được NH Nhà nước cấp thêm hạn mức cho vay 5.000 tỉ đồng. Vì thế, NH phải triển khai nhiều sản phẩm cho vay, đáp ứng nhu cầu vay mua nhà, mua xe, hàng hóa kinh doanh vào dịp Tết của khách hàng.
Trong khi đó, giám đốc một chi nhánh của NH Ngoại thương tại TP HCM thừa nhận chi nhánh đang dư hạn mức cho vay hàng trăm tỉ đồng. Do đó, trong 2 tuần cuối của năm 2019, chi nhánh phải nỗ lực tìm kiếm người vay tiền.
Chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu nhận định ngoài việc giải quyết số vốn tồn kho, sử dụng hết hạn mức tín dụng, các NH tích cực mời chào cho vay vào thời điểm này là để gấp rút hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm 2019, đồng thời sớm tiếp cận, thẩm định nhu cầu vay vốn khách hàng để giải ngân vào đầu năm mới, nhằm "ghi bàn" cho lợi nhuận quý I/2020. Bởi trong năm này, nhiều khả năng NH Nhà nước sẽ nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2019.
Giảm lãi suất để dồn vốn cho vay
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước), trong các tháng gần đây, nhiều NH thương mại dư thừa vốn làm cho thanh khoản của hệ thống NH khá dồi dào. Ngoài việc phải gửi số tiền dự trữ bắt buộc theo quy định, một số NH dư vốn còn gửi tiền tại NH Nhà nước để được hưởng lãi suất 1,2%/năm. Vì thế, từ ngày 1-12, NH Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi của các NH thương mại xuống 0,8%/năm là để các NH ngưng gửi tiền, tập trung vốn cho vay trong thời gian tới.