Kể từ sau Tết đến nay, nhiều ngân hàng đã bắt đầu có tín hiệu giảm lãi suất huy động. Đơn cử như GPBank giảm lãi suất huy động ở kỳ hạn 12 tháng từ 9,5% xuống 9.1%. Lãi suất huy động tại ngân hàng Techcombank giảm ở kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng đối với khcáh VIP từ lãi suất cao nhất 9,2% xuống 8,7%.
Sacombank cũng thông báo, từ ngày 14/2 sẽ giảm mạnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất giảm từ 9,25% xuống 8,8%. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi từ 8,9% xuống 8,6%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi từ 8,5% xuống 8,2%.
Trước đó, nhiều ngân hàng công bố chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp, đơn cử như Agribank, Viettinbank, Sacombank.
Đáng chú ý, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng công bố rằng đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó, các ngân hàng này cũng thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% (lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ).
Với gói tín dụng 120.000 tỷ hướng tới giảm lãi suất cho vay cho người mua nhà, cộng tín hiệu giảm lãi suất huy động tại hàng loạt ngân hàng thương mại nhà nước và tư nhân, giới đầu tư kỳ vọng vào mức lãi suất cho vay mua nhà sớm hạ nhiệt. Trước đó, không ít lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc và các chuyên gia cho rằng, lãi suất tăng cao chính là một trong những trở ngại khiến thị trường gặp khó về thanh khoản.
Anh Đức Trọng (nhà đầu tư bất động sản đến từ Hà Nội) mới gia nhập vào thị trường 4 năm chia sẻ: "Tôi hi vọng lãi suất cho vay sớm hạ để có thể "nhẹ gánh" trả khoản nợ lãi ngân hàng". Nhà đầu tư này hiện đang vay 4 tỷ tiền ngân hàng. Số tiền phải trả lãi mỗi tháng lên tới hơn 30 triệu đồng. Sau 8 tháng "gồng" mình trả lãi, anh Trọng tâm sự: "Nếu tình trạng lãi cao như hiện tại, khả năng tôi sẽ phải cắt lỗ sớm. Nhưng với thông tin lãi suất huy động hạ, tôi mong lãi suất cho vay cũng sớm hạ nhiệt để chờ đợi thời điểm tốt bán ra".
Anh Trọng nói thêm: "Không chỉ có tôi mà nhiều anh em đầu tư bất động sản đang mong lãi suất cho vay hạ bởi đã kinh doanh, hầu như ai cũng vay ngân hàng".
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, vì lãi suất tăng cao, người mua nhà e dè trong vay vốn để mua nhà. Điều này đẩy thanh khoản trên thị trường bất động sản vào tình cảnh “đóng băng”. Mặt khác, ngay cả các doanh nghiệp địa ốc gặp khó vì lãi suất cho vay tăng mạnh.
Thế nên, theo TS. Hiếu, khi lãi suất cho vay mua nhà hạ, người có nhu cầu ở thực sẽ có thể tiếp cận với vốn vay. Điều này góp phần gỡ thanh khoản cho thị trường.
Ở góc độ đơn vị môi giới bất động sản, ông Đinh Quang Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh & Tiếp thị Đất Xanh Miền Bắc nhấn mạnh, việc hạ lãi suất nếu đi vào thực tế sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Với doanh nghiệp bất động sản, họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp, ổn định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Với khách hàng mua bất động sản, những nhà đầu tư sẽ giảm áp lực “gồng lãi” và nhất là nhóm nhà đầu tư đang phải đứng trước lựa chọn cắt lỗ khi không thể trả được nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, nhóm khách hàng có nhu cầu mua ở thực sẽ có quyết định nhanh, xuống tiền. Như vậy, các nút thắt trên thị trường được tháo gỡ và bất động sản đi vào hoạt động ổn định.
Ông Đào Phúc Tường, CFA nhận định rằng, thị trường bất động sản hiện tại đang rơi vào bức tranh trầm lắng. Theo ông Tường, một trong nhận tố để giúp thị trường đảo chiều đó là lãi suất cho vay phải hạ. Lãi suất cho vay hạ không chỉ kích thích người mua nhà ở thực xuống tiền mà còn thu hút nhà đầu tư tiếp tục tham gia vào thị trường.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nếu lãi suất cho vay hạ, thị trường địa ốc sẽ đón nhận tín hiệu thanh khoản tốt. Đây chính là cơ sở để thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng trở lại.