Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang hoàn tất dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 vừa ban hành ngày 13/3 vừa qua. Một trọng tâm của thông tư này là cho phép cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, để hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 .
Sau hơn hai tháng triển khai, qua trao đổi trực tiếp và đề xuất từ các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét, xây dựng dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 01 theo hướng mở rộng phạm vi nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ được giải ngân sau ngày 23/01/2020.
Theo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, hướng sửa đổi, bổ sung để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ hậu Covid 19 là cần thiết.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sửa đổi quy định về khoảng thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là trong khoảng từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020.
Lý do, Ngân hàng Nhà nước giải thích, đến nay, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch Covid 19, vì vậy, thời điểm mà Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch có thể sẽ đến sớm. Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 đến nước ta là rất lớn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, đồng thời, diễn biến dịch trên thế giới còn rất phức tạp, khó lường, tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp và người dân nói riêng.
Do nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế nên ngay cả trong trường hợp Việt Nam công bố hết dịch mà tình hình dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam và các doanh nghiệp vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 (do các hoạt động du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực).
Xuất phát từ đánh giá nêu trên, để đảm bảo tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động trong kế hoạch hỗ trợ khách hàng thì việc quy định khoảng thời gian cụ thể để xác định phạm vi nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 là cần thiết.
Theo đó, NHNN dự kiến sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư 01 theo hướng cho phép các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với nợ được GIẢI NGÂN từ ngày 23/01/2020 đến trước ngày 25/4/2020.
Lý do, theo quy định tại Thông tư 01, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020 đối với các số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01. Theo đó, chỉ có các khoản giải ngân trước ngày 23/01/2020 mới có kết quả phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/01/2020, do đó, quy định trên được hiểu rằng, Thông tư 01 không áp dụng đối với số dư nợ giải ngân sau ngày 23/01/2020.
Với các thông tin có được tại thời điểm xây dựng Thông tư 01, Ngân hàng Nhà nước xác định rằng, sau ngày 23/01/2020, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã nắm bắt được cơ bản thực trạng dịch Covid-19 tại Việt Nam, vì vậy, đối với các khoản giải ngân sau ngày 23/01/2020, họ phải chủ động thảo luận, thống nhất với khách hàng về lịch trả nợ phù hợp với năng lực trả nợ và mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của khách hàng. Theo đó, việc cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ giải ngân sau ngày 23/01/2020 là không phù hợp.
Tuy nhiên, trên thực tế, dịch Covid-19 diễn biến rất nhanh, phức tạp, mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong nước, gây ra khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng trên toàn cầu. Do không lường trước được các tác động của dịch đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nên đối với các khoản giải ngân sau ngày 23/01/2020, việc xác định lịch trả nợ cho khách hàng của TCTD chưa phù hợp với mức độ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của khách hàng.
Vì vậy, theo phản ánh của nhiều TCTD và một số doanh nghiệp thì phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23/01/2020 (đặc biệt là các khoản cho vay ngắn hạn), khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng, thỏa thuận cho vay.
Từ các lý do nêu trên, NHNN thấy rằng việc bổ sung quy định cho phép các TCTD được áp dụng quy định tại Thông tư 01 cho các khoản giải ngân từ ngày 23/01/2020 có lịch trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020 và chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 là cần thiết.
Tuy nhiên, với việc Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch Covid-19, để tránh việc lợi dụng chính sách gây hậu quả nợ xấu cho toàn hệ thống TCTD trong các năm tiếp theo thì việc giới hạn phạm vi các khoản giải ngân từ ngày 23/01/2020 cũng rất cần thiết.
Vì vậy, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng cho phép TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23/01/2020 đến ngày 24/4/2020.
NHNN đánh giá rằng thời điểm 24/4/2020 là phù hợp bởi đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đồng thời, đến thời điểm này thì các TCTD đã nắm bắt được đầy đủ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế và cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó dịch. Theo đó, đối với các khoản giải ngân sau ngày 24/4/2020, TCTD đã có thể đánh giá được đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cần căn cứ vào đặc điểm của khách hàng để thống nhất với khách hàng lịch trả nợ phù hợp mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01.
Ngoài dự kiến mở rộng phạm vi nói trên, NHNN dự kiến sẽ cho phép TCTD không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại.