Một loạt ngân hàng đã đẩy mạnh sự hiện diện tại các công ty chứng khoán trong thời gian gần đây.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư vừa qua của ngân hàng VPBank, bà Lưu Thị Thảo – Phó Tổng giám đốc VPBank cho biết ngân hàng trước đây từng có một công ty chứng khoán, nhưng sau đó đã bán đi. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, VPBank đang cân nhắc việc mở thêm một Công ty chứng khoán để mở rộng mạng lưới kinh doanh, khách hàng cũng như gia tăng các sản phẩm bán chéo.
Trong một diễn biến liên quan, Công ty Chứng khoán ASC (ASCS) mới đây đã tổ chức ĐHCĐ thường niên, thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT, ban kiểm soát cũ và bầu HĐQT cũng như ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đáng chú ý, cả 2 thành viên mới trong Ban kiểm soát ASCS là bà Nguyễn Thị Duyên, Hoàng Thị Quỳnh Trang đều đang công tác tại VPBank. Ngoài ra, ASCS cũng chuyển trụ sở từ TP.HCM ra 89 Láng Hạ, Hà Nội, đây cũng chính là trụ sở của VPBank.
Tương tự, CTCP Chứng khoán Quốc Gia (NSI) vừa chuyển trụ sở về nơi ''đóng đô'' của Viet A Bank tại toà Samsora Premier số 105 Chu Văn An, phường Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội.
Đồng thời, công ty chứng khoán này cũng công bố kế hoạch tăng vốn gấp hơn 3 lần từ 300 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành 70 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong năm 2021.
Đáng chú ý, VietABank xuất hiện trong phương án chào bán với vai trò là một trong những người mua cổ phiếu lẻ, cổ phiếu cổ đông từ chối mua.
Trước đó, vào hồi tháng 4, trong đợt tăng vốn từ 170 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, NSI đã có thêm một cổ đông lớn là Công ty TNHH Cappella Group, được thành lập vào tháng 7/2015 bởi ông Phương Hữu Việt (Cựu Chủ tịch, Thành viên HĐQT VietABank ).
Người đứng đầu Capella Group hiện là ông Nguyễn Văn Trọng – Thành viên HĐQT kiêm Quyền Tổng Giám đốc VietABank.
Gần đây, thị trường cũng chứng kiến việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao ở Chứng khoán Bảo Minh và quyết định nâng số lượng chào bán riêng lẻ từ mức 23 triệu cổ phiếu lên 43 triệu cổ phiếu, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Một số nguồn tin trên thị trường cho biết, công ty chứng khoán này đã được nhóm cổ đông từ một ngân hàng mua lại.
Trước đó, TPBank cũng đã "kết nạp’’ TPS vào hệ sinh thái và đưa người sang giữ các cương vị chủ chốt tại công ty này từ năm 2019. Không những vậy, TPBank cũng liên tục rót tiền trong các đợt tăng vốn ''khủng’’ vừa qua của TPS nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu. Đồng thời, Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú đang giữ chức vụ Chủ tịch TPS.
Hai năm sau khi được TPBank ''thâu tóm’’, hoạt động kinh doanh của TPS đã khởi sắc mạnh mẽ với tài sản, nguồn vốn, lợi nhuận tăng hàng chục lần. Vừa qua, TPS cũng đã chính thức niêm yết 200 triệu cổ phiếu tại HoSE.
Tình trạng ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán riêng phải là chuyện lạ tại Việt Nam như Vietcombank có VCBS, VietinBank có CTS, Techcombank có TCBS, MB có MBS, ACB có ACBS….
Việc nắm trong tay công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngân hàng trong hoạt động phát hành các loại giấy tờ có giá, đặc biệt trong bối cảnh đây là nhóm phát hành nhiều cổ phiếu, trái phiếu nhất.
Số liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, ngân hàng dẫn đầu hoạt động phát hành trái phiếu trong 9 tháng với tổng giá trị phát hành đạt 132,3 nghìn tỷ đồng. Về cổ phiếu, nhóm này cũng là quán quân với hơn 10 tỷ cổ phần được đưa ra thị trường kể từ đầu năm
Với nhu cầu lớn như vậy, việc sở hữu một đơn vị chuyên biệt về mảng chứng khoán sẽ bổ trợ rất lớn cho các ngân hàng trong việc thu xếp và huy động nguồn vốn trong các đợt phát hành giấy tờ có giá.
Thực tế, trong hầu hết những đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu vừa qua, các ngân hàng đều sử dụng công ty chứng khoán trực thuộc làm đơn vị tư vấn và tổ chức đăng ký, lưu ký thậm chí là bảo lãnh phát hành.
Ở phía ngược lại, sự ''bùng nổ'' của thị trường chứng khoán trong thời gian qua cũng thúc đẩy các ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm gia tăng lợi nhuận.
Báo cáo tài chính quý III cho thấy công ty chứng khoán đã đóng góp hàng trăm, nghìn tỷ đồng lợi nhuận vào kết quả hợp nhất của ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu năm như MBS của MB (416 tỷ), CTS của VietinBank (197 tỷ), TCBS của Techcombank (2.847 tỷ),…