Sức hấp dẫn của ngành ngân hàng Việt Nam ngày càng tăng, thể hiện qua việc nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục “đổ” vào các ngân hàng. Kể từ cuối tháng 12/2017 đến nay đã có nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng Việt và nhà đầu tư nước ngoài được ký kết.
M&A ngành ngân hàng đắt hàng
Ngày 12/3, Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) công bố thông tin về khoản đầu tư lên tới hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2018 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) được tổ chức mới đây, đại diện của ngân hàng này cho biết: LienVietPostBank đang thảo luận với 5 nhà đầu tư nước ngoài có trụ sở tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản về việc bán cổ phiếu quỹ.
Giữa tháng 3 vừa qua, tại đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo VPBank cũng thông báo kế hoạch phát hành riêng lẻ với tổng số cổ phần tương đương với 15% cổ phiếu phổ thông của ngân hàng được ghi nhận tại thời điểm diễn ra đại hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, VPBank báo cáo 1,57 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, trong đó 1.497 tỷ đồng là cổ phiếu phổ thông.
Vào tháng 2 vừa qua, Vietcombank đang lên kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018, sau khi nhận được chấp thuận từ Chính phủ.
Chủ tịch của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành, cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ đã được các cơ quan chấp thuận. Lượng cổ phiếu trên sẽ được phát hành riêng lẻ hoặc được đấu giá công khai cho một lượng nhà đầu tư nước ngoài giới hạn.
Ông Thành nói thêm, quỹ Singapore GIC là một trong những nhà đầu tư tiềm năng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Vietcombank với 15% cổ phần - sẽ được phép mua thêm cổ phần để duy trì tỷ lệ này ở Vietcombank.
Không chỉ ngân hàng lớn mà các ngân hàng nhỏ cũng đang “đắt khách” dần sau một thời gian dài phải tự nỗ lực tái cơ cấu. Từ cuối năm 2017, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) cho biết, với tư vấn của một ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ, NCB đang tiến dần tới lộ trình bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.
“NCB báo cáo chủ trương này trong đề án gửi Ngân hàng Nhà nước và sẽ thực hiện lựa chọn đối tác tiềm năng trong số các nhà đầu tư đã gửi đề xuất để trình phương án trong kỳ Đại hội đồng cổ đông sắp tới” - đại diện NCB cho hay.
Rõ ràng, ngoài các thương vụ phát hành vốn “khủng” để tăng vốn như Vietcombank, Techcombank… thị trường M&A đang nóng lên từng ngày bởi các thương vụ gọi vốn ngoại nhằm tái cơ cấu.
Không chỉ ngân hàng lớn mà ngay cả những ngân hàng nhỏ cũng đang tích cực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. |
Ngân hàng càng ngày càng hấp dẫn
Theo các chuyên gia kinh tế, hệ thống ngân hàng hồi phục mạnh mẽ hai năm gần đây, lợi nhuận tăng kỷ lục… đang khiến nhà đầu tư không còn “sợ” ngân hàng nhỏ Việt Nam như trước. Cùng với đó, năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhà băng Việt Nam có thể trở thành một xu hướng, bởi kết quả kinh doanh khởi sắc của ngành ngân hàng trong năm 2017 sẽ tạo tiền đề cho năm 2018 tiếp tục bứt phá.
Chất lượng các ngân hàng thương mại Việt Nam được các tổ chức uy tín trên thế giới như S&P, Moody’s ghi nhận có sự cải thiện, nâng hạng trong thời gian qua cũng là lý do để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, từ giữa tháng 1/2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực cũng mang lại sự hấp dẫn hơn cho các ngân hàng này. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, với dự luật trên, các ngân hàng yếu kém đang đứng trước cơ hội phục hồi lớn bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng thời gian tới. Theo đó, nếu áp dụng Basel II ngân hàng còn hút được vốn ngoại nhiều hơn nữa. Basel II đưa ra một danh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.
“Trong lĩnh vực tín dụng, các ngân hàng sẽ phải chuyển hướng tập trung vào đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản bảo đảm. Hơn nữa, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế”, chuyên gia phân tích của SSI khẳng định.
Vân Lam