Nghị quyết 42, là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết cục máu đông tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính 2011-2013. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng.
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%. Như vậy 97- 99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt. Việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều, không để "con sâu làm rầu nồi canh".
Đó là những phát biểu của đại diện ngân hàng Techcombank tại toạ đàm Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp do Báo Tiền phong và Hiệp hội ngân hàng tổ chức hôm 23/6 vừa qua.
Theo bà Nguyễn Thu Lan – Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro, Ngân hàng TMCP Techcombank, tại Techcombank, từ khi NQ 42 có hiệu lực 8/2017 đến nay, hơn 70% các khoản nợ xấu được xử lý thông qua áp dụng nghị quyết 42.
Liên quan đến nợ xấu phát sinh do tác động của Covid-19, bà Thu Lan cho biết, kinh nghiệm, cũng là bí quyết xử lý của Ngân hàng chính là am hiểu khách hàng, phân loại đúng khách hàng và có giải pháp phù hợp. Cụ thể, ngân hàng đã có các chính sách để hỗ trợ khách hàng như: (1) Với các khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập do Covid 19, ngân hàng hỗ trợ tối đa qua các giải pháp miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giãn nợ; (2) Với các khách hàng thực sự không có khả năng trả nợ, chây ì tồn đọng đã lâu năm, ngân hàng tiếp tục áp dụng nghị quyết 42 để xử lý tài sản thu hồi nợ. Quá trình xử lý nợ tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của địa phương và chính phủ về phòng chống dịch.
"Với mỗi ngân hàng, chất lượng nợ có thể khác nhau nhưng tại Techcombank có một danh mục khách hàng rất tốt, được đánh giá không bị ảnh hưởng lớn vì đại dịch. Và chính vì có danh mục khách hàng tốt như vậy, nên ngân hàng có điều kiện để có thể hỗ trợ các khách hàng khó khăn" - bà Lan nói thêm.
Bà Nguyễn Thu Lan – Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro, Ngân hàng TMCP Techcombank (ảnh: Tiền phong)
Về khó khăn khi xử lý nợ xấu, theo đại diện Techcombank, khi thực hiện xử lý nợ theo nghị quyết 42, có nghĩa là ngân hàng cực chẳng đã phải áp dụng các biện pháp rất kiên quyết để có thể xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ. Các khách hàng lúc này đều là các khách hàng hoặc không thể có khả năng trả nợ hoặc rất chây ì. Thông thường thời gian xử lý đều đã kéo dài 3-5 năm, nhiều trường hợp lên đến 9-10 năm. Việc khách hàng chống lại biện pháp xử lý của ngân hàng là dễ hiều thường xuyên xảy ra.
Thời gian xử lý kéo dài, tài sản thanh lý không thu đủ nợ, ngân hàng tốn rất nhiều chi phí và nhân lực. Bên cạnh đó, ngân hàng còn phải chịu nhiều sức ép khác nhau. Đặc biệt, nhiều Khách hàng tận dụng sự phát triển của Mạng xã hội để gây sức ép cho Ngân hàng, đưa thông tin một chiều, sai sự thật khiến dư luận nhìn nhận không khách quan, thiếu sự đồng cảm chia sẻ với những khó khăn của công tác xử lý thu hồi nơ xấu. Đặc biệt, những thông tin sai lệch này ảnh hưởng không tốt đến uy tín, gây tổn thương cho hình ảnh thương hiệu. Điều này, khiến công tác thu hồi nợ xấu đã khó càng khó hơn. Ngân hàng là tổ chức lớn và hoạt động chịu sự quản lý rất chặt chẽ bởi pháp luật.
"Chúng tôi luôn đề cao tinh thần tuân thủ pháp luật, ủng hộ chính sách của nhà nước. Tuy vậy ngân hàng cũng là pháp nhân dễ bị tổn thương bởi các thông tin sai lệch, không khách quan. Techcombank mong muốn được bảo vệ bởi pháp luật, các cơ quan báo chí lớn chính thống, khách quan. Trong quá trình xử lý nợ, chúng tôi cam kết tuân thủ pháp luật và sẵn sàng chia sẻ thông tin tới các cơ quan quản lý và truyền thông để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình" - bà Lan nói.