Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) mới đây đã đưa robot vào quản lý hoàn toàn một chi nhánh thay cho con người, tờ South China Morning Post cho biết.
CCB, ngân hàng lớn thứ 2 tại Trung Quốc tính theo tài sản, vừa mở một chi nhánh tại Thương Hải được vận hành bởi các công nghệ như nhận diện khuôn mặt (FR), trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR).
Được quảng cáo là ngân hàng đầu tiên sử dụng robot tại Trung Quốc, ngân hàng có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết cũng đã lắp đặt 1.600 máy thông minh tại 360 chi nhánh tại Thượng Hải để thu hút những khách hàng am hiểu về công nghệ, đồng thời cắt giảm chi phí nhân viên.
Tại chi nhánh này, đầu tiên, khách hàng sẽ được quét ID để được vào cửa. Sau đó, họ lấy số thứ tự từ trợ lý robot. Trong những lần tới tiếp theo, hệ thống chỉ cần nhận diện khuôn mặt khách hàng để lấy thông tin.
Tại sảnh chờ, khách hàng sẽ gặp robot thứ hai chuyên trả lời thêm các câu hỏi hay thắc mắc.
Chi nhánh có diện tích 165m2 này được trang bị hệ thống tự động thông minh có khả năng đáp ứng nhiều yêu cầu dịch vụ như mở tài khoản, chuyển tiền, ngoại hối, đầu tư vàng và sử dụng các sản phẩm quản lý tài sản.
Ngân hàng cho biết việc đưa robot vào quản lý có thể xử lý được 90% nhu cầu về tiền mặt và phi tiền mặt của một điểm giao dịch ngân hàng truyền thống.
Ngoài ra, mã QR luôn hiện trên màn hình để khách hàng tiện thanh toán cho các sản phẩm và dịch vụ, hoặc tham gia vào các trò chơi trực tuyến để trải nghiệm nhiều hơn. Một máy thực tế ảo cũng có sẵn để giới thiệu các dịch vụ cho thuê nhà mới nhất của CCB.
Robot tại chi nhánh ở Thượng Hải của CCB.
Tuy nhiên, khi những khách hàng giàu có cần sự trợ giúp của con người, họ sẽ đến một phòng được dành riêng cho việc trao đổi từ xa với quản lý quan hệ khách hàng.
He Fei, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Ngân hàng Truyền thông Thượng Hải, cho biết chi nhánh không nhân viên sẽ hoạt động như một phép thử để thu hút ý kiến khách hàng.
"Thông qua hoạt động hàng ngày, ta sẽ nhận thấy nhiều chỗ cần được nâng cấp", ông nói dù không cho rằng công nghệ này sẽ trở nên phổ biến.
"Các dịch vụ không có nhân viên có thể giải quyết các yêu cầu tiêu chuẩn và lặp đi lặp lại từ số lượng lớn khách hàng. Nhưng các nhân viên ngân hàng vẫn cần những lời góp ý chuyên nghiệp, để phục vụ các nhu cầu phức tạp và cá nhân hóa từ các khách hàng giàu có chẳng hạn", ông chia sẻ.
Theo dữ liệu của Hiệp hội ngân hàng Trung Quốc, vào cuối năm 2017, 228.700 chi nhánh ngân hàng tại Trung Quốc lắp đặt hơn 800.000 máy tự phục vụ. Trong đó, 113.900 máy được cho là máy "thông minh'' để cung cấp dịch vụ gửi hoặc rút tiền.
Chỉ trong năm 2017, số liệu của Hiệp hội này cho thấy các ngân hàng đã nâng cấp lại 5% tổng số chi nhánh, nhắm đến mục tiêu "thông minh hơn".