Không thiếu tiền cho vay nhưng doanh nghiệp không vay được
Chia sẻ tại Hội nghị "Áp dụng nền tảng số cho SMEs bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn - Thời kỳ hậu Covid-19", ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tổng dư nợ tín dụng hiện ở mức hơn 8 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ mức 1,3% đã giảm về mức 0,8%.
"Lực hấp thụ vốn đối với nền kinh tế có chiều hướng giảm xuống. Các doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, xuất hàng, trả nợ, có nhu cầu mới vay tiếp", ông Hùng cho biết.
Về dư nợ vay mới, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 0,3%, lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng khoảng 1%. Các lĩnh vực về thương mại – dịch vụ - du lịch và các ngành hàng khác đều giảm, bao gồm cả cho vay tiêu dùng. Cho vay ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng giảm hơn 1%.
Liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất thấp của hệ thống ngân hàng quy mô 300.000 tỷ đồng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cho biết hiện đã Cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng được khoảng 29.800 tỷ đồng.
Động thái cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ ông Hùng cho rằng là một "ưu ái" với doanh nghiệp, khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ được kéo dài thời hạn trả nợ tối đa tới 12 tháng mà không bị chuyển sang nhóm nợ xấu, lại còn được vay thêm với lãi suất ưu đãi (giảm tối đa 2% so với lãi suất trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 )
Cũng nằm trong gói tín dụng hỗ trợ trên, hệ thống ngân hàng đã Miễn giảm lãi với dư nợ 160.000 tỷ đồng, số tiền miễn giảm lãi thực chất khoảng 360 tỷ; Cho vay mới 180.000 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp nào đã tiếp cận được 180.000 tỷ đồng của ngân hàng?
Ông Hùng cho biết các khoản vay mới trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng tăng 1%, lĩnh vực nông nghiệp cũng tăng. Các khoản vay đối với mặt hàng tiêu dùng phục vụ thiết yếu trong nước tăng, phục vụ thiết bị y tế tăng. Tức, những lĩnh vực có khả năng tiêu thụ được tăng và tất cả trường hợp này đều được vay với lãi suất thấp hơn.
Doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp hơn không có nghĩa là không có tài sản đảm bảo, không quản lý dòng tiền, không chứng minh được hiệu quả dự án...
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã rà soát, đánh giá các dư nợ hiện hữu, xem xét giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu từ 0,5% – 2%.
Trừ trường hợp các khách hàng vốn được vay ưu đãi trước đó, ví như vay với lãi suất 7%/năm vốn lưu động, thì chỉ giảm lãi suất được ít, còn vay với lãi suất 9% có thể được giảm 2%, ông Hùng giải thích.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết riêng với khoản cho vay mới, hiện các ngân hàng cam kết cho vay tới 600.000 tỷ đồng, không chỉ còn ở mức 300.000 tỷ đồng như trước.
TS. Lực đồng tình với ông Hùng quan điểm ngành ngân hàng không thiếu tiền, vấn đề nằm ở khả năng hấp thụ vốn yếu ớt của doanh nghiệp. Ông Lực dẫn chứng tín dụng Quý 1/2020 tăng trưởng ở mức 1,3%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng ở mức 3,2%.
Cần doanh nghiệp chia sẻ với ngân hàng
Ông Hùng thừa nhận việc triển khai, cơ chế miễn - giảm lãi, rồi giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu lại nợ, cho vay mới của ngành ngân hàng không thể tiến hành đồng thời và nhanh nhạy được, trong khi đó các doanh nghiệp rất nóng vội.
"Khi mới xảy ra dịch bệnh đã có doanh nghiệp đến trao đổi với chúng tôi xem liệu ngân hàng có động thái nào trước dịch bệnh không".
"Vì vậy, dù chưa kịp ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid – 19, chúng tôi đã ban hành công văn 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, để cho các tổ chức tín dụng thấy rằng động thái của NHNN sẽ tạo điều kiện cho phép các ngân hàng thương mại cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ mặc dù thông tư chưa ban hành", ông Hùng chia sẻ.
Ông cũng nhận định đây là hành động quyết liệt thực sự của ngân hàng, để cho các doanh nghiệp yên tâm. Thông tư mới ban hành hơn 1 tháng, và muốn triển khai thì các tổ chức tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá yếu tố pháp lý của từng khách hàng, xem khách hàng nào ảnh hưởng trực tiếp, khách hàng nào ảnh hưởng gián tiếp.
"Có ngân hàng hỏi chúng tôi rằng: "Giảm lãi suất cho vay thế này thì khi khách hàng gửi tiết kiệm có xin được giảm lãi suất huy động không? Giảm thế này thì chi phí, lương thưởng của ngân hàng thế nào?" Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nhưng là doanh nghiệp đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp, và hỗ trợ trên cơ sở có khả năng, chứ không phải hỗ trợ vô điều kiện, làm sao chung tay cùng cộng đồng hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua lúc khó khăn này", ông Hùng nói.
"Gói 300.000 tỷ đồng là một thông điệp của ngành ngân hàng tới doanh nghiệp: Ngành ngân hàng không thiếu tiền. Gói 300.000 tỷ hoặc có thể hơn, vấn đề là sức hấp thụ của nền kinh tế như thế nào. Doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp hơn không có nghĩa là không có tài sản đảm bảo, không quản lý dòng tiền, không chứng minh được hiệu quả dự án... Đây là vốn ngân hàng huy động của dân để cho vay, không phải vốn của ngân sách. Vì vậy, cho vay phải thu hồi được cả vốn và lãi. Và các doanh nghiệp được ưu đãi trong dịch là được vay với lãi suất thấp hơn".
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng kêu gọi doanh nghiệp hết sức bình tĩnh, cùng chia sẻ với ngành ngân hàng. Doanh nghiệp cần cơ cấu lại chính mình, rà soát lại, đánh giá phương án sản xuất kinh doanh nào có hiệu quả thì mạnh dạn đặt vấn đề với ngân hàng.
"Nếu thiếu tài sản đảm bảo, thì chúng ta sẵn sàng để ngân hàng quản lý dòng tiền. Để ngân hàng quản lý dòng tiền chắc chắn không ngân hàng nào từ chối cho vay", ông Hùng nói.
Quan điểm của ngành ngân hàng là vừa hỗ trợ cho vay doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn dòng vốn.