heo ông đâu là lý do các ngân hàng lại "khoá" room ngoại?
Năm nay là năm các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tăng vốn. Nhưng hiện tại có thể họ đang ưu tiên việc gọi vốn từ nhà đầu tư nội thông qua nhiều hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, phát hành trái phiếu chuyển đổi...
Động thái khoá room ngoại hoặc giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, theo tôi tuỳ thuộc kế hoạch của các ngân hàng. Chẳng hạn như HDBank mới phát hành trái phiếu chuyển đổi. Để chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phần cho các nhà đầu tư, bắt buộc họ phải phải khoá room ngoại mới thực hiện được.
Còn trường hợp ngân hàng khác có thể họ chưa tìm được hoặc đang trong quá trình đàm phán chiến lược nên tạm khoá lại. Khi nào tìm được thì họ lại mở room bình thường.
Ảnh minh họa
Có phải các ngân hàng kỳ vọng giá bán cao hơn nên khoá room ngoại tại thời điểm này, thưa ông?
Đó cũng có thể là một lý do. Hiện tại giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức khá tốt và vẫn giữ vị thế cổ phiếu vua, dẫn dắt thị trường nên có thể các ngân hàng kỳ vọng ở mức giá cao hơn trước khi tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Xét ở góc độ thị trường, kỳ vọng trên là hợp lý dựa trên tiềm năng thị trường với thanh khoản cao, dư địa tăng giá của ngân hàng vẫn còn. Nhưng các ngân hàng cũng không nên kéo dài việc khoá hay giảm room mà cố gắng tận dụng gọi vốn ngoại trong năm nay để gấp rút hoàn thành kế hoạch tăng vốn. Vì khi giá cổ phiếu ngân hàng tăng quá cao, mức giá sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nữa, chu kỳ tăng trưởng qua đi việc gọi vốn ngoại lại gặp khó khăn.
Có ý kiến cho rằng, hiện giá cổ phiếu ngân hàng Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với thị trường các nước mới nổi. Quan điểm của ông đối với nhận định trên?
Đúng là so với các ngân hàng trong khu vực chỉ số P/E, P/B của các ngân hàng Việt Nam không phải cao. Vì tỷ suất sinh lời của ngân hàng Việt Nam vẫn tốt và khá cao so với các ngân hàng trong khu vực. Xét về mặt bằng chung có thể giá cổ phiếu ngân hàng không đắt, nhưng có một số cổ phiếu ngân hàng giá tăng khá cao so với chuẩn trung bình của Ngành. Do vậy, những cổ phiếu này sẽ không thực sự hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư ở thời điểm này. Nhất là khi dòng tiền đang luân chuyển hướng tới các nhóm ngành khác.
Theo ông, thời gian tới các ngân hàng cần làm gì để tăng hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài?
Phải khẳng định, việc các ngân hàng Việt Nam kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn vừa qua vẫn tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá tích cực một số ngân hàng là điểm cộng trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tốc độ tăng trưởng tài sản của ngân hàng khá cao trong khi tăng trưởng vốn chưa tương xứng. Dù các ngân hàng Việt Nam cũng đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tăng vốn, nhưng xét mặt bằng chung, vốn của nhiều ngân hàng vẫn còn mỏng. Trong khi ngân hàng các nước trên thế giới đã áp dụng Basel III, còn tại Việt Nam mới chỉ có một vài ngân hàng đang triển khai Basel III, còn lại chỉ dừng ở Basel II. Mà những tác động của dịch bệnh Covid đối với hoạt động ngân hàng trong thời gian tới là khó tránh khỏi, trong đó có vấn đề nợ xấu. Tuy các ngân hàng cũng đã giải quyết khá tốt nợ xấu, cộng thêm cơ chế chính sách hỗ trợ của NHNN, nhưng nếu các ngân hàng không có bước đệm vốn an toàn để giải quyết vấn đề nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai thì sẽ dẫn đến rủi ro.
Với các nhà đầu tư nước ngoài khi xem xét đầu tư lâu dài, bên cạnh tăng trưởng, lợi nhuận, vấn đề an toàn vốn, thanh khoản của hệ thống cũng được họ rất quan tâm.
Xin cảm ơn ông!