Cụ thể, theo biểu lãi suất mới nhất của BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng sẽ được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm – tương đương với kỳ hạn 6 tháng. Các khoản tiền gửi kỳ hạn 9 tháng trở lên ngân hàng áp dụng mức lãi suất cào bằng 6,9%/năm.
Không chỉ riêng BIDV mà VietinBank cũng có động thái tăng lãi suất tiền gửi. Với các kỳ hạn dưới 6 tháng ngân hàng này giữ nguyên nhưng lãi suất từ 6 đến 9 tháng đã tăng từ mức 5,5- 5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm.
Mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của BIDV như vậy đang tương đương với của VietinBank và cao hơn hẳn mặt bằng lãi suất ở Vietcombank.
Còn nếu xét kỳ hạn từ 6 tháng trở lên thì lãi suất tiền gửi của BIDV cũng đang là cao nhất trong số các ngân hàng lớn. Hiện BIDV áp dụng mức lãi suất đồng loạt 6,9% cho kỳ hạn dài còn Vietcombank cao nhất là 6,5%/năm và VietinBank là 6,8%/năm.
Biểu lãi suất mới được BIDV cập nhật trên Website của ngân hàng
Tuần trước, sau khi Vietcombank hạ lãi suất huy động, nhiều dự báo cho rằng có thể ngân hàng này đang phát tín hiệu về một xu hướng lãi suất mới thấp hơn – như quá khứ từng diễn ra. Hơn nữa, thị trường còn kỳ vọng rằng lãi suất huy động hạ sẽ tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, từ đó góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng.
Chia sẻ với chúng tôi tuần trước, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietcombank đã “than” rằng “nhà giàu cũng khổ lắm”. Ông nói, khi ngân hàng kinh doanh thì phải tính đến lợi nhuận, nhưng việc cho vay còn phải tính toán kỹ lưỡng đến các tỷ lệ mà NHNN quy định, cũng như hệ số an toàn vốn. Chính vì thế ngân hàng đã giảm lãi suất xuống mức thấp. Nhưng khổ nỗi lãi suất của ngân hàng ông ở mức thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác mà tiền gửi vẫn cứ ầm ầm chảy về. Vậy là ngân hàng của ông lại phải tranh thủ đẩy kinh doanh trên liên ngân hàng để gỡ gạc phần nào chi phí.
Ngay cả người đứng đầu ngân hàng VietinBank là ông chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thắng khi chia sẻ với người viết, cũng đánh giá rằng với diễn biến của thanh khoản và lượng tiền gửi vào hệ thống, cũng như những những kết quả của nền kinh tế đạt được những tháng qua thì không hề có bất kỳ áp lực nào lên lãi suất huy động từ nay đến cuối năm.
Nhưng động thái mới nhất từ phía BIDV và VietinBank cho thấy tình hình không hẳn như vậy.
Trên thị trường liên ngân hàng 3 tuần qua, lãi suất tăng liên tiếp và đã chạm mức cao nhất trong gần 4 tháng, Ngân hàng Nhà nước phải tăng bơm tiền ra hệ thống, với tuần đến ngày 10/11 tổng cộng là 26.000 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ tháng 2/2017. Đây là tín hiệu cho thấy thanh khoản đang có dấu hiệu căng thẳng tạm thời. Như đánh giá của các chuyên gia đến từ SSI Retail Research thì điều này hoàn toàn bình thường. “Cũng giống như cùng kỳ năm ngoái, diễn biến này không bất ngờ bởi nhu cầu thanh khoản sẽ tiếp tục gia tăng khi mùa cao điểm cuối năm đang đến gần” – SSI nói trong một báo cáo đầu tuần trước.
Một thực tế khác cũng phải nhìn nhận là trong khi nhiều ngân hàng huy động được lượng tiền gửi dồi dào thì vẫn có những ngân hàng còn tăng trưởng rất thấp, thậm chí là tăng trưởng âm. Chính bởi vậy, lãi suất là công cụ hiệu quả nhất để sử dụng nhằm thu hút người gửi tiền, bên cạnh yếu tố về uy tín ngân hàng.
Theo một chuyên gia tài chính, lý giải phù hợp nhất về biến động lãi suất thời điểm này đó là mùa tín dụng đang ở giai đoạn cao điểm, nhu cầu vay vốn tăng lên nên các ngân hàng phải tranh thủ hút tiền gửi để có nguồn cho vay.
Hơn nữa, mới đây người đứng đầu ngành ngân hàng là thống đốc Lê Minh Hưng đã tự tin nói trước Quốc hội rằng, tín dụng đang chảy đúng hướng và với các biện pháp điều hành, tín dụng sẽ “về đích” như kế hoạch. Nhưng đến hết tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng trưởng 13,6%, còn room gần 7% mới đạt chỉ tiêu đề ra và các ngân hàng đang phải tăng tốc “chạy” cho 2 tháng cuối năm.