Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào sáng nay (24/6), Tổng Giám đốc ngân hàng MB - ông Lưu Trung Thái cho biết, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu của ngân hàng đạt khoảng hơn 8.100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với quý 4 thì có giảm. Lợi nhuận của 5 tháng của ngân hàng mẹ là 3.964 tỷ đồng, tăng trưởng 5%. Ước tính lợi nhuận 6 tháng của tập đoàn sẽ chỉ giảm vài ba phần trăm chứ không đến 10%.
Năm 2020, ngân hàng thận trọng kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới nên kế hoạch lợi nhuận giảm khoảng 10% do tác động của Covid-19. Tổng tài sản dự kiến tăng khoảng 8%; tín dụng tăng khoảng 12% theo hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước giao còn huy động vốn sẽ theo thực tế tình hình sử dụng vốn của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến tối đa là 1,9%.
Lãnh đạo MB cũng giải thích về việc nợ xấu tăng trong quý 1. Ông Lưu Trung Thái cho biết, dưới tác động của Covid-19, ngân hàng Nhà nước công bố khoảng 23% dư nợ toàn ngành bị ảnh hưởng, còn MB thì tính toán khoảng 25-30%. Trong số khách hàng bị ảnh hưởng có khách hàng phải cơ cấu lại gốc và lãi sẽ không được tính vào doanh thu nên doanh thu giảm, do đó nợ xấu tăng lên, chi phí dự phòng cũng tăng. "Tuy nhiên, chúng tôi đã có dự phòng cẩn trọng cho các vấn đề về nợ xấu", CEO MB nói thêm.
Về tái cơ cấu nợ, theo Thông tư 01 của NHNN, từ 23/1/2020, MB đã tái cơ cấu cho hơn 3.000 khách hàng doanh nghiệp và tác động đến dư nợ khoảng gần 7.000 tỷ (các khách hàng covid-19 ảnh hưởng khoảng 25 - 30% dư nợ của ngân hàng). Từ nay đến cuối năm ngân hàng sẽ tiếp tục cơ cấu cho một nhóm khách hàng nữa, ảnh hưởng khoảng 10% doanh thu lãi.
Chính vì những lý do trên (về dự phòng nợ xấu, ảnh hưởng doanh thu...) nên ngân hàng đã dự tính giảm 10% lợi nhuận trong năm nay.
Tuy nhiên, ông Lưu Trung Thái cũng cho biết, mặc dù đặt mục tiêu thấp hơn trong năm 2020 nhưng ngân hàng sẵn sàng cho các mục tiêu cao hơn trong các năm tiếp theo.
Tình hình kinh doanh của MCredit - công ty con của MB cũng được cập nhật tại cuộc họp. Theo bà Nguyễn Thị Hải Phượng, phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch MCredit thì MCredit trong thời gian qua phát triển theo hướng gia tăng thị phần nên có phần "nóng". HĐQT đã yêu cầu tái cơ cấu toàn diện để đưa MCredit lên tầm cao mới, phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Công ty cũng xây dựng hệ thống định hình mô hình tài chính tiêu dùng nhân văn.
Về nợ xấu, bà Phượng cho biết, công ty tài chính có đặc thù là kinh doanh tín chấp, nên việc thu hồi nợ và có nợ xấu là hiện hữu. Trong năm nay, MCredit đang giảm dần tỷ trọng cho vay tiền mặt nên rủi ro sẽ giảm xuống. Ngân hàng cũng củng cố lại mô hình cho vay trả góp, đưa tỷ trọng cho vay trả góp lên 40 - 45%.
Năm nay MCreidt sẽ kiện toàn lại toàn bộ hoạt động, tăng cường vai trò của các uỷ ban, tăng cường các quy chế để quản trị tốt hơn, ưu tiên xây dựng hệ thống hiện đại để tạo ra năng lực cạnh tranh của công ty. Ngoài ra, MCredit đang thực hiện cơ cấu lại nhân sự, cắt giảm trên 500 người...Tất cả các yếu tố này sẽ giúp tiết giảm chi phí, tăng cao hiệu quả hoạt động.
Uớc tính 6 tháng đầu năm, nợ xấu của MCredit sẽ được kiểm soát dưới 6%, tỷ lệ trôi nợ (đặc thù của công ty tài chính) là dưới 4%, và lợi nhuận khoảng 120 tỷ.