Dù vậy, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đặt ra không ít thách thức cho thị trường tài chính ngân hàng.
Đây là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2019 với chủ đề "Bứt phá từ những động lực tăng trưởng", tổ chức tại TP HCM ngày 12-3.
TS Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, cho rằng đang có nhiều thách thức với thị trường tài chính, do độ mở nền kinh tế lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn nhỏ và quy mô thị trường tài chính ngân hàng (NH) còn thấp. Đặc biệt, với độ mở nền kinh tế như vậy, những biến động trong chiến tranh thương mại gần đây, biến động của tỉ giá và nền kinh tế thế giới cũng sẽ tác động, là những thách thức cần phải lưu ý.
Nền kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính NH vẫn đang trong thời kỳ chuyển đổi nên một số thông lệ, chuẩn mực theo quốc tế cũng cần phải được hoàn thiện từ kế toán, kiểm toán, cách đánh giá thị trường tài chính…
Tăng trưởng tín dụng năm nay tiếp tục được kiểm soát ở mức 14%. Ảnh: NLĐ
"Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ thông tin đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, công nghệ giúp rút ngắn quá trình phát triển nhưng mang tới những rủi ro không hề nhỏ. Công nghệ thông tin đang tạo ra những thay đổi về cấu trúc hoạt động ở các doanh nghiệp và cả cấp độ nhà nước" – ông Hà Huy Tuấn nhận xét.
Một thách thức khác là sự phát triển bền vững của thị trường tài chính NH trong bối cảnh tài chính xanh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường bị huỷ hoại… Do đó, đây là vấn đề tác động tới thị trường tài chính tiền tệ mà cả nhà nước và tổ chức tín dụng phải tính tới.
Nhìn nhận về tác động của công nghệ tới hoạt động ở các tổ chức tín dụng, ông Phạm Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ứng dụng công nghệ số vào sản phẩm, dịch vụ NH là cần thiết trong xu hướng hiện nay.
Năm nay, mục tiêu lợi nhuận của Vietcombank phải cao hơn con số 18.000 tỉ đồng của năm ngoái, trong khi tín dụng chỉ được định hướng tăng 14%. Để đạt mục tiêu lợi nhuận, NH xác định phải đẩy mạnh NH số để tăng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm nhất là trong lĩnh vực bán lẻ.
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh cho vay qua công nghệ chứ không chỉ dừng ở các sản phẩm cho vay truyền thống, quản trị và áp dụng công nghệ thông tin vào sản phẩm NH. Triển khai các dịch vụ ngân hàng số sẽ đem lại lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng" - ông Thắng nói.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước, cho biết tính đến hết tháng 2-2019, tăng trưởng tín dụng của ngành hơn 1%. Năm nay, NH Nhà nước tiếp tục định hướng tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 14%, kiểm soát chặt dòng vốn để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, mặt bằng lãi suất. Trong đó, đặc biệt kiểm soát tín dụng ngoại tệ nhằm tiếp tục lộ trình chống đô la hoá nền kinh tế.