Từ ngày 30/6/2022, Thông tư 14 năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho vay khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã chính thức hết hiệu lực. Thêm vào đó, những biến động trên thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xu hướng lãi suất tăng cũng khiến vấn đề nợ xấu được chú ý hơn trong kỳ báo cáo tài chính quý 3.
Trên thực tế, trong quý 3 vừa qua, nợ xấu tại nhiều ngân hàng cũng đã có xu hướng tăng lên, tuy nhiên hầu hết vẫn đảm bảo ở dưới 3%. Thậm chí, vẫn còn nhiều ngân hàng duy trì được tỷ lệ nợ xấu từ 1% trở xuống, có thể kể đến BacABank, Techcombank, Vietcombank, TPBank, MB, ACB.
Cụ thể, BacABank là một trong số ít ngân hàng có nợ xấu nội bảng giảm trong 9 tháng đầu năm. Con số nợ xấu của nhà băng này giảm từ 655 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 542 tỷ đồng, tương đương giảm 17,3%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 0,77% xuống 0,59%.
Tại Techcombank, nợ xấu tăng 16,2% trong 9 tháng đầu năm lên 2.665 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay ở mức 0,65%, không có nhiều thay đổi so với 0,66% hồi đầu năm. Tính trên tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp), nợ xấu của Techcombank chỉ chiếm 0,6%/năm, là mức thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết hiện nay. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 165%, duy trì tương đương với hồi đầu năm.
Nợ xấu tại Vietcombank có xu hướng tăng trong quý 3/2022, tuy nhiên chất lượng tài sản nhà băng này vẫn thuộc hàng tốt nhất hệ thống, tỷ lệ nợ xấu dù nhích tăng vẫn đang ở dưới mức 1%. Cụ thể, nợ xấu của Vietcombank đã tăng 47% trong 9 tháng đầu năm lên 8.978 tỷ đồng (chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng 213% lên 2.313 tỷ đồng). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 0,64% hồi đầu năm lên 0,8% vào cuối quý 3/2022.
Sở dĩ Vietcombank được đánh giá chất lượng tài sản hàng đầu bởi ngoài tỷ lệ nợ xấu thấp thì ngân hàng này cũng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống, đạt trên 400% vào cuối quý 3. Trước đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank thiết lập kỷ lục trên 500% vào cuối tháng 6/2022.
Tương tự, TPBank ghi nhận nợ xấu có tăng nhưng vẫn duy trì chất lượng tài sản ở nhóm đầu ngành. Cuối tháng 9, nợ xấu tại nhà băng này ở mức 1.426 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm và chiếm 0,91% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức 0,82% hồi đầu năm.
MB (riêng lẻ) cũng có nợ xấu tăng 32% trong 9 tháng đầu năm lên 3.083 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh 86% lên 1.484 tỷ đồng. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của MB vẫn ở mức thấp 0,77% (quý 3/2022). MB là một trong những ngân hàng có chiến lược thận trọng, duy trì tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu ở mức cao, đạt 268% vào cuối tháng 9/2022.
Ngân hàng tiếp theo thuộc nhóm có nợ xấu thấp là ACB. Tỷ lệ nợ xấu nhà băng này ở mức 1% tại ngày 30/9/2022. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 137%.
Gây bất ngờ nhất có lẽ là Sacombank khi sau nhiều năm, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này xuống dưới 1%. Cụ thể, nợ xấu nội bảng của Sacombank cuối tháng 9 ở mức 3.791 tỷ đồng, giảm 34% so với hồi đầu năm, cũng là một trong những ngân hàng hiếm hoi ghi nhận nợ xấu giảm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 1,5% xuống còn 0,91%.
Tuy nhiên, mặc dù đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng, Sacombank vẫn còn một lượng nợ xấu tại VAMC và ngân hàng vẫn đang tích cực đẩy mạnh xử lý thời gian gần đây. Hiện số trái phiếu đặc biệt của VAMC mà Sacombank sở hữu là trên 20.000 tỷ đồng (ước tính đã được trích lập dự phòng hơn một nửa).
Một số ngân hàng khác tỷ lệ nợ xấu cũng ở mức thấp, chỉ nhỉnh hơn mức 1% một chút có thể kể đến HDBank, MSB. Tỷ lệ nợ xấu (riêng lẻ) của HDBank vào cuối tháng 9/2022 là 1,1%, tuy tăng so với mức 0,9% hồi cuối tháng 6 nhưng đã cải thiện hơn so với mức 1,26% hồi đầu năm. MSB cũng có tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,08% vào cuối quý 3 năm nay.