Nhờ một năm kinh doanh nhiều điểm sáng, lợi nhuận lũy kế ở nhiều ngân hàng tiếp tục tăng cao. 10 ngân hàng có lợi nhuận để lại cao nhất có tổng đạt gần 85.000 tỷ đồng vào cuối năm 2018, tăng 49% so với cuối năm 2017.
Cuối năm 2018, lợi nhuận chưa phân phối của Vietcombank đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng vọt 130% so với cuối năm 2017 và cao nhất hệ thống. Kết quả này có được là nhờ một năm ghi nhận mức lợi nhuận ròng kỷ lục hơn 14.600 tỷ đồng cộng với hơn 5.300 tỷ đồng lợi nhuận để lại của năm trước.
Sau Vietcombank thì hiện BIDV, Techcombank, VietinBank có mức lợi nhuận lũy kế khá tương đương nhau đạt hơn 12.400 tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2017, Techcombank là ngân hàng có lợi nhuận chưa phân phối cao nhất hệ thống, đạt hơn 10.997 tỷ đồng sau nhiều năm không chia cổ tức. Đến giữa năm 2018, Techcombank đã dùng tới hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cùng nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, thặng dư vốn để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 200%, giúp nhà băng này một bước nâng vốn điều lệ lên gấp 3 lần. Riêng năm 2018, Techcombank có lãi ròng đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ đứng sau Vietcombank.
Lợi nhuận lũy kế của MBBank, VPBank và ACB cũng tăng đáng kể, lần lượt đạt hơn 7.100 tỷ đồng, 6.100 tỷ và 5.100 tỷ.
17 ngân hàng có lợi nhuận lũy kế đạt trên 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Đơn vị: Tỷ đồng
Trong hơn 20 ngân hàng được thống kê, đa số có lợi nhuận lũy kế tăng lên so với cuối năm 2017 nhờ số lãi ròng kiếm thêm được nhiều hơn các khoản trích quỹ và chia cổ tức thực hiện trong năm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp giảm như tại LienVietPostBank bị giảm 20%, do ngân hàng đã trích lập các quỹ và trả cổ tức tới hơn 1.300 tỷ đồng nhưng lãi ròng năm 2018 chỉ đạt 960 tỷ.
Với mức lợi nhuận lũy kế được bổ sung khá nhiều trong vòng 1 năm qua, việc tăng vốn của nhiều ngân hàng cũng sẽ có nhiều triển vọng tích cực.
Năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã được bổ sung hơn 63.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng vẫn cần nhiều vốn hơn nữa vì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR còn thấp, nhất là khi thời điểm áp dụng Basel II đến gần hơn. Bởi thế, kế hoạch tăng vốn điều lệ vẫn sẽ là một trong những trọng tâm chính trong mùa ĐHĐCĐ năm nay của ngành ngân hàng.
BIDV và VietinBank đang có mức lợi nhuận lũy kế khá cao (hơn 12.000 tỷ đồng), và nếu được giữ lại cổ tức thì đây sẽ là một nguồn tăng vốn điều lệ không nhỏ giúp giải tỏa nhiều khó khăn trước mắt của hai ngân hàng này. Như mọi năm, BIDV và VietinBank vẫn chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ từ 7-8%. Năm nay, cả 3 ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước đều đã đề xuất với Chính phủ không chia cổ tức bằng tiền mặt, xin giữ lại lợi nhuận để tăng vốn. So với các giải pháp tăng vốn khác như xin từ ngân sách hay phát hành riêng lẻ, việc giữ lại lợi nhuận đang được xem là cách dễ thực hiện hơn cả.
Nhiều nhà băng khác cũng đang có kế hoạch được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn trong năm nay. Đơn cử, VPBank mới đây cho biết, với lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 sau khi trích các quỹ còn hơn 3.400 tỷ đồng, ngân hàng sẽ giữ lại toàn bộ để bổ sung vốn cho hoạt động của ngân hàng.
Hay tại Nam A Bank, đến cuối năm 2018, lợi nhuận chưa chia của ngân hàng đạt 542 tỷ đồng. Nhà băng cho biết sẽ dùng 536,5 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 16%), theo đó giúp vốn điều lệ được tăng lên gần 3.900 tỷ đồng.
Không chỉ dùng để tăng vốn điều lệ và bổ sung các quỹ, việc tích lũy được nguồn lợi nhuận chưa phân phối dồi dào cũng giúp các ngân hàng dễ đàng thực hiện được nhiều dự định khác. Chẳng hạn như MBBank ngay từ đầu năm đã dùng hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại hơn 43 triệu cổ phiếu quỹ, và sắp tới đây sẽ trích hơn 1.200 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.