Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 2/2020 là 47.164 người, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này dự báo tiếp tục tăng nhanh trong tháng 3, tháng 4/2020. Điều này cho thấy, thu nhập của nhiều người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Mất việc, nghỉ việc không lương hay làm việc online,…đang khiến thu nhập của nhiều người lao động sụt giảm. Và điều này khiến cho áp lực tài chính ngày càng lớn lên những người vay tiền ngân hàng để sở hữu những tài sản lớn như nhà, xe,…
Chị Huyền, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, năm ngoái, vợ chồng chị gom góp được 600 triệu và vay ngân hàng 1,1 tỷ để mua căn hộ chung cư. Số tiền phải trả hàng tháng là hơn 15 triệu đồng. Chị Huyền là nhân viên bán hàng, còn chồng đang làm tại một công ty phân phối dầu. Dịch bệnh đến bất ngờ khiến thu nhập của cả nhà bị sụt giảm nghiêm trọng, khó xoay sở chi phí sinh hoạt và trả lãi vay ngân hàng. Chị đã có đơn đề nghị lên ngân hàng xin được giãn nợ và giảm lãi, tuy nhiên, nhân viên ngân hàng cho biết chưa có chính sách cụ thể.
Trong khi đó, một số người khác cho biết vẫn muốn mua nhà, dù vào thời buổi khó khăn nhưng cũng đang chờ ngân hàng có chính sách giảm lãi suất cho cả khách vay tiêu dùng.
Trong thời gian gần đây, các ngân hàng đã vào cuộc mạnh mẽ để giãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi suất, cho cả khoản vay cũ và mới. Tuy nhiên, theo quan sát, ưu tiên hỗ trợ của các ngân hàng hiện nay chủ yếu dành cho các khách hàng vay vốn sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực ưu tiên. Đối tượng khách hàng vay tiêu dùng chưa được quan tâm nhiều như nhóm vay vốn kinh doanh.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ thích hợp cho nhóm vay tiêu dùng bởi nợ xấu mới phát sinh từ phân khúc khách hàng này là không thể xem nhẹ.
Mới đây, Moody's cũng nhận định ngành tài chính tiêu dùng tại Việt Nam dễ bị tổn thương trước trước Covid-19. Các sản phẩm cho vay không đảm bảo của nhiều công ty tài chính và ngân hàng đang nhắm tới phân khúc dân số có thu nhập thấp, nhưng cũng là những người dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Sự gia tăng thất nghiệp, dự kiến sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của người vay trong phân khúc này, do nguồn thu nhập không ổn định và hạn chế.
Theo tìm hiểu, tuy ít, nhưng đã có một số ngân hàng đã có chính thức có chính sách cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các khách hàng vay tiêu dùng, từ 1-2%/năm, trong đó có ngân hàng giảm trên dự nợ cho vay hiện hữu, có nơi giảm khoản vay vay mới.
Chẳng hạn, tại ngân hàng BIDV, ngân hàng đang có chính sách giãn nợ và giảm lãi suất với dư nợ hiện hữu với cả doanh nghiệp và cá nhân vay tiêu dùng. Cụ thể, ngân hàng giảm đến 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
Trong khi đó, mới đây, ngân hàng Techcombank công bố gói hỗ trợ toàn diện lên đến 30.000 tỷ đồng, bao gồm miễn giảm lãi, điều chỉnh giảm lãi suất, áp dụng lãi suất hỗ trợ, giãn nợ, gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh covid-19.
Trong đó, ngân hàng dành gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng cho khác hàng cá nhân, bao gồm giảm lãi suất cho vay mới/tái cấp khoản vay từ 1/4-30/6 đối với các hộ kinh doanh, cá nhân vay tiêu dùng thế chấp bất động sản, cá nhân vay mua và xây sửa nhà… chịu các tác động ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 với phần giảm lãi suất tối đa đến 2%, trong khung thời hạn ưu đãi lên đến 6-12 tháng cho khoản vay.
Ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng thu nhập bởi dịch Covid019 đủ điều kiện tái cơ cấu khoản vay theo quy định, tối đa từ 1-2% (tùy từng khoản vay) và thời hạn ưu đãi tối đa 6-12 tháng. Gói hỗ trợ cũng bao gồm tư vấn và cơ cấu nợ đối với tất cả các khách hàng đáp ứng đủ điều kiện theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, không thu phí cơ cấu nợ. Đồng thời Techcombank cũng miễn giảm một phần phí trả nợ trước hạn cho những trường hợp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên buộc phải thu xếp nguồn trả nợ sớm để giảm nghĩa vụ nợ.